Công ty bút phê "buồn cười quá" gửi Thủ tướng lại xin mở rộng quốc lộ 1A
(Dân trí) - Không chỉ 3 lần xin Thủ tướng cho đầu tư đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên, Công ty Gia Bảo có bút phê "buồn cười quá" gửi Thủ tướng mới đây cũng kiến nghị xin đầu tư mở rộng đường 1A đoạn qua Thường Tín theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, điều "buồn cười quá" ở chỗ, số tiền dự toán bán đất "âm" hơn 40 tỷ đồng so với tổng vốn bỏ ra đầu tư đường.
Cụ thể, theo văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội, UBND TP.Hà Nội mới đây, Công ty Phát triển Nhà Gia Bảo đã lấy lý do nhiều điểm trên đoạn tuyến qua thị trấn huyện Thường Tín (Hà Nội) xuất hiện tình trạng hư hỏng do lượng xe lớn; tình trạng giao thông ùn tắc nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn...
Chính vì thế, Công ty Gia Bảo cho rằng, cần cấp thiết phải đầu tư mở rộng quốc lộ 1 A đoạn Km 189-Km194 thuộc địa phận huyện Thường tín. Công ty Gia Bảo kiến nghị Sở KH&ĐT Hà Nội báo cáo UBND Hà Nội cho phép công ty này đầu tư mở rộng quốc lộ 1A nói trên theo hình thức đối tác hợp tác công tư (PPP).
Để thuyết phục Hà Nội, Công ty Gia Bảo đã đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội chấp nhận chủ trương cho lập Hồ sơ đề xuất dự án: Đầu tư mở rộng đường Pháp Vân đoạn từ đường Ngọc Hồi đến đường cao tốc 1A rộng thêm 15m và dài khoảng 700 m, tiếp giáp với bên xe Nước Ngầm; cầu vượt bê tông tại nút giao phố Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng theo hợp đồng BT (xây dựng, chuyển giao).
Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ phải giải phóng mặt bằng hơn 95 ha, trong đó 22,5 ha dành cho tái định cư. Công ty này đề nghị Nhà nước giao cho mình hơn 24,9 ha trong tổng số đất nói trên để kinh doanh thu hồi vốn dự án.
Cam kết của Gia Bảo sẽ dành hơn 15,7 ha trong 24,9 ha đất trên để làm đường, vỉa hè, vườn hoa và cấp thoát nước, cấp điện. Với 9,2 ha đất còn lại sẽ được bán kinh doanh thu hồi vốn cho dự án. Ước tính của Gia Bảo giá mỗi m2 tại đây sẽ được bán với giá 7,2 triệu đồng/m2, sơ bộ Gia Bảo sẽ thu về số tiền hơn 620 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong đề xuất dự án này, phía Gia Bảo đưa ra tổng mức đầu tư dự án khoảng 660 tỷ đồng (hoàn toàn do doanh nghiệp (DN) tự lo, Nhà nước chỉ đổi đất lấy hạ tầng). Với hơn 620 tỷ đồng thu về từ việc bán đất, Gia Bảo sẽ chấp nhận lỗ hơn 40 tỷ đồng? Đây là cách tính khá lạ của DN khi lập dự toán cho dự án mà chịu lỗ.
Hiện Hà Nội mới chỉ xin ý kiến các sở, ban ngành và chưa có ý kiến chính thức về đề xuất "độc" này của Công ty Gia Bảo.
Trước đó, ngày 23/8, Dân Trí cũng đưa tin Công ty Gia Bảo 3 lần đề nghị Thủ tướng, Chính phủ cho đầu tư xây dựng đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên. Việc đề xuất của DN sau đó được Văn phòng Chính phủ chuyển xin ý kiến của Bộ chuyên ngành như: Giao thông Vận Tải (GTVT).
Tuy nhiên, phía Công ty Gia Bảo không đồng tình với cách làm trên và cho rằng việc chuyển đề xuất của ông đến Thủ tướng sang Bộ GTVT là "buồn cười quá" vì: "Bộ GTVT đang thực hiện quá chậm, nay Văn phòng Chính phủ lại chuyển đề nghị của Công ty Gia Bảo về Bộ GTVT xem xét xử lý là không phải cải cách thủ tục như Thủ tướng nói và làm".
Ngày 24/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Công ty Gia Bảo đề nghị Thủ tướng giao cho thực hiện dự án đường sắt Ngọc Hồi – Yên Viên, nhưng công ty này không có khả năng nên không giao được, đề xuất không có cơ sở. Bởi, nếu có giao phải trên cơ sở DN đã hoàn tất thủ tục đấu thầu, đủ điều kiện và được lựa chọn sau khi xem xét, so sánh với các đối thủ khác nữa.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, về nguyên tắc, các DN đều có thể tham gia dự án, tuy nhiên họ phải chứng minh được năng lực thực hiện dự án và các quy trình đảm bảo đầy đủ thủ tục. Tuy nhiên, việc đề nghị tham gia dự án của Công ty Gia Bảo có những vấn đề nhất định, quy trình thủ tục không đầy đủ và công ty cũng không thể hiện được năng lực tài chính, năng lực chuyên môn để tham gia dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên.
Theo thông tin của Sở KH&ĐT Hà Nôi, Công ty Gia Bảo hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng nhà, đặc biệt là xây dựng lại các khu tập thể cũ tại Hà Nội. Công ty này mới thành lập năm 2000 và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Nguyễn Tuyền