1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bất thường bút phê “buồn cười quá”: Bộ Giao thông vận tải nói gì?

(Dân trí) - Với đề nghị được tham gia dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên (Hà Nội ), trong văn bản gửi Thủ tướng, Công ty Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo đã có bút phê “Buồn cười quá”. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đề nghị tham gia dự án của công ty có những vấn đề nhất định.

Mới đây, Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Gia Bảo đã gửi văn bản lần 3 lên Thủ tướng đề nghị được làm dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên và nêu việc các đề nghị trước đó chưa tới được Thủ tướng mà bị chuyển cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông để làm rõ những vấn đề liên quan.

Thưa Thứ trưởng, Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Gia Bảo bày tỏ mong muốn được tham gia Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhận được văn bản đề nghị này chưa?

- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Thời gian qua Bộ GTVT đã nhận được nhiều văn bản của Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Gia Bảo và Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách, có ý kiến về việc triển khai đầu tư xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi, thuộc Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên và đề xuất hướng xử lý đối với khu nhà đất số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chính tôi đã 2 lần ký văn bản trả lời đề xuất, kiến nghị của các công ty này (văn bản số 7514, ngày 10/7/2017 và văn bản số 8889 ngày 9/8/2017), và Bộ GTVT đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 21/6/2017.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về đề nghị của công ty Gia Bảo?

- Về nguyên tắc, các doanh nghiệp đều có thể tham gia dự án, tuy nhiên doanh nghiệp đó phải chứng minh được năng lực thực hiện dự án và các quy trình đảm bảo đầy đủ thủ tục.

Tuy nhiên qua xem xét, việc đề nghị tham gia dự án của công ty có những vấn đề nhất định, quy trình thủ tục không đầy đủ và công ty cũng không thể hiện được năng lực tài chính, năng lực chuyên môn để tham gia dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên.

Bộ GTVT có tổ chức gặp gỡ với doanh nghiệp để làm rõ những kiến nghị, đề xuất hay chưa?

- Lần đầu nhận được văn bản đề nghị, Bộ GTVT đã giao cho Ban quản lý dự án Đường sắt tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền. Ban quản lý dự án Đường sắt đã tổ chức cuộc gặp gỡ với công ty này nhằm rà soát, nghiên cứu và trả lời đầy đủ các đề xuất, kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án Ngọc Hồi - Yên Viên.

Ngày 2/8, Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiếp tục làm việc về các kiến nghị, chúng tôi đã gửi giấy mời đại diện công ty đến làm việc nhưng họ không đến.

Hôm 22/8, Công ty này có văn bản lần 3 gửi Thủ tướng cùng bút phê “buồn cười quá”, với ý không đồng tình việc Văn phòng Chính phủ chuyển đề nghị của công ty cho Bộ GTVT chứ không phải là chuyển lên Thủ tướng, Công ty này cũng thể hiện việc không tin tưởng Bộ GTVT. Thứ trưởng có ý kiến gì về việc này?

Bộ cũng mới nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ với yêu cầu cho ý kiến, Bộ sẽ sớm có phản hồi về Văn phòng Chính phủ việc này.

Dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên, phối cảnh đoạn vượt sông Hồng
Dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên, phối cảnh đoạn vượt sông Hồng

Đối với các ý kiến kiến nghị của công ty đã được Bộ GTVT chuyển tới Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị chức năng để xử lý theo quy định. Bộ GTVT sẽ không có ý kiến phản hồi tới công ty theo nội dung kiến nghị như thời gian vừa qua.

Trong kiến nghị lần 3, Công ty Gia Bảo khẳng định năng lực và vạch rõ kế hoạch để hoàn thành dự án, tháng 10/2020 có thể đưa tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên vào khai thác, Thứ trưởng có cho điều này là khả thi?

- Dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên sau một thời gian tạm dừng đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh dự án và hiện đang triển khai, tuy nhiên do thiếu vốn giải phóng mặt bằng nên tiến độ còn chậm.

Tôi cho rằng muốn đánh giá khả thi hay không thì cần phải xem xét đầy đủ về quy trình thủ tục và năng lực thực hiện dự án của nhà đầu tư, nhà thầu. Nếu Công ty này thực sự có thể làm dự án thì cần phải chứng mình đủ năng lực và có các đề xuất cụ thể. Bộ GTVT sẵn sàng ủng hộ và kiến nghị Chính phủ.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Với Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư của dự án là 19.460 tỷ đồng (gần 14.000 tỷ vay JICA, còn lại là đối ứng). Dự án do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là chủ đầu tư, quản lý dự án là Ban Quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc ĐSVN, tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2008 - 2017.

Năm 2014, trong cuộc thẩm vấn với cơ quan điều tra Tokyo, ông Tamio Kakinuma - Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt Japan Transportation Consultants (nhà thầu dự án) đã thừa nhận hành vi đưa hối lộ giới chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu Yên Nhật, tương đương với 16,4 tỷ đồng. Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội sau đó bị đình chỉ để phục vụ công tác điều tra cho đến nay.

Châu Như Quỳnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm