Công nghiệp ô tô: Đại diện Bộ Tài chính than "thất vọng" vì chỉ thấy xin giảm thuế

(Dân trí) - "Tôi đồng tình khi VAMA nói về đặc điểm, khó khăn thách thức của ngành công nghiệp ô tô, kinh nghiệm chính sách phát triển. Điều này ai cũng nhận thức được. Nhưng cuối cùng giải pháp thì lại chỉ giảm thuế thôi!”, đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Hội thảo Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam sáng nay (12/10), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đặt mục tiêu trở thành ngành xuất khẩu và là nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các hãng lớn trên thế giới.

“Ngành công nghiệp ô tô đã đạt được một số kết quả, tổng năng lực sản xuất lắp ráp đã nâng cao, đạt 460 ngàn xe/năm gồm xe con, xe tải, xe khách. Trong đó, xe con, xe tải đã đạt tỉ lệ nội địa hoá trên 30%”, Thứ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ vẫn còn một số hạn chế tồn tại: tỷ lệ nội địa hoá xe cá nhân còn thấp, công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế thể hiện ở trình độ sản xuất của các doanh nghiệp, chưa xứng được với tầm khu vực, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của các nhà sản xuất ô tô.

“Ngành công nghiệp ô tô cũng chưa tạo được sự hợp tác, liên kết chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô, sản xuất phụ tùng linh kiện, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng cao cấp. Trong khi đó, chính sách liên quan đã được Chính phủ quan tâm cố gắng nhưng chưa đồng bộ, chưa ổn định”, ông nói.

Kiến nghị giảm thuế nhập linh kiện

Bàn về giải pháp phát triển nền công nghiệp ô tô, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị, các chính sách thuế và chính sách liên quan đến ô tô cần ổn định và đồng bộ nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, trong ngắn hạn, VAMA kiến nghị giảm/bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập CKD từ năm 2018 cho tất cả các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hoá. Đồng thời, cần có ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.

Cũng phải nói thêm rằng, Bộ Tài chính mới đây trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô về 0%, nhằm giúp các hãng sản xuất ô tô trong nước giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá xe, tăng lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thời điểm 2018 thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về 0% đang tới gần, qua đó bảo hộ ngành sản xuất ô tô nội địa.

Những linh kiện được áp dụng mức thuế 0% phải thoả mãn điều kiện không sản xuất được ở Việt Nam. Phương án đầu tiên cho thấy mức giảm chi phí sẽ sâu hơn, có lợi hơn cho hãng sản xuất.

Tuy nhiên, điểm ràng buộc trong đề xuất là không phải hãng xe nào có xe lắp ráp cũng được hưởng ưu đãi, mà đòi hỏi phải đảm bảo đủ nhóm ba điều kiện khác gồm tỷ lệ tăng trưởng; sản lượng của hãng trong năm; sản lượng của mẫu xe đăng ký và tỷ lệ giá trị nội địa. Trong đó sản lượng chung tối thiểu phải từ 34.000 xe trở lên từ năm 2018.

Với lộ trình trên, Bộ Tài chính nhận định chỉ có ba doanh nghiệp đủ điều kiện. Bộ không nói rõ đó là hãng nào nhưng các chuyên gia cho biết căn cứ vào thực tế bán hàng và sản xuất, đó là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Toyota Việt Nam.

Bộ Tài chính tái khẳng định "phải đi cùng ràng buộc"

Phản hồi về kiến nghị của VAMA, bà Nguyễn Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) thẳng thắn: "Vì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nên thời gian qua Bộ Tài chính đã rất vất vả trong việc đưa ra giải pháp về chính sách thuế. Chúng tôi đến đây muốn nghe xem có giải pháp gì mang tính đột phá, hữu ích giúp ngành ô tô nhưng chưa thấy giải pháp nào hữu ích cả".

"Cá nhân tôi thấy mừng vì các doanh nghiệp sản xuất đang cho thấy một thông điệp rằng họ rất quyết tâm xây dựng một ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, tôi thấy thất vọng về cái giải pháp đưa ra của VAMA. Tôi đồng tình khi VAMA nói về đặc điểm, khó khăn thách thức của ngành công nghiệp ô tô, kinh nghiệm chính sách phát triển. Điều này ai cũng nhận thức được. Nhưng cuối cùng giải pháp thì lại chỉ giảm thuế thôi!", bà Hằng nói.

Bà Hằng cho rằng: "VAMA nói yếu tố quyết định là dung lượng thị trường, ông ủng họ quan điểm Chính phủ phải phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ nhưng ông lại đề nghị giảm thuế, không gắn với điều kiện sản lượng và nội địa hóa. Tuy nhiên, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Trên thực tế, một số doanh nghiệp FDI đã chuyển sang giảm các mẫu xe trong khi không tăng công suất".

Theo bà Hằng, trong 20 năm phát triển công nghiệp ô tô thì chính sách thuế bảo hộ cho rất cao, chính sách thuế với linh kiện luôn thấp hơn so với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên tới 70%.

"Nếu chúng tôi không có điều kện về tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp nhập linh kiện lắp ráp các anh lại tháo rời chi tiết các linh kiện để nhập rời, hưởng thuế ưu đãi linh kiện. Thực tế, từ năm 2004 đến nay, tại sao nội địa hóa vẫn thấp? Vậy các doanh nghiệp có thực sự muốn nâng nội đại hóa hay không? Muốn làm công nghiệp hỗ trợ hay không?", lãnh đạo Bộ Tài chính đặt câu hỏi.

Theo bà Hằng, do thời điểm giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% sẽ có hiệu lực từ năm 2018 nên "đây là thời điểm phải làm cương quyết, việc giảm thuế linh kiện không còn thời gian chờ đợi ngành sản xuất ô tô”.

"Mục tiêu của chúng tôi là phải giảm thuế có điều kiện. Mong các doanh nghiệp ủng hộ, không nên thời điểm này còn đưa ra quan điểm khác hẳn như thế. Chính sách thuế là yếu tố để góp phần thúc đẩy sản xuất ngành nào đó. Đến nay chính sách thuế với cả ngành ô tô đều đã có hết rồi, chúng ta nên tập trung giải pháp làm sao có được sự liên kết, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các ngành công nghiệp phụ trợ để cung cấp linh kiện cho chính bản thân các anh”, bà nhấn mạnh.

Bà cũng nói thêm rằng: "Tôi nghĩ không nên tập trung quá nhiều vào chính sách thuế mà có các giải pháp khác. Cá nhân tôi đồng tình là thời điểm này trước mắt Chính phủ có giải pháp để công nghiệp ô tô duy trì phát triển sản xuất sau năm 2018, tiếp đến là nghiên cứu chính sách phát tiển ngành công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hỗ trợ các anh phải đi trực tiếp vào vấn đề vì tất cả đều đã có trong nghị định rồi, cần xem xét những chính sách hiện nay có đi vào thực tế không, nếu không thì kiến nghị ngay vào vấn đề".

Phương Dung