Cân lợi ích quốc gia từ công nghiệp ô tô
Trước khi quyết định đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xét trên những góc độ lợi ích khác nhau, lượng hoá và phân tích các tác động, không phải là quyết định mang tính chất cảm tính.
Đã tính đến khía cạnh tiêu cực
Trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Từ góc độ cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trước khi quyết định trình Chính phủ đưa ô tô vào danh mục kinh doanh có điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lắng nghe đa chiều, xét trên các góc độ lợi ích khác nhau.
Cụ thể, ông Đông cho biết, Bộ đã lượng hoá và phân tích các tác động cụ thể, chia 3 nhóm lợi ích trong đó nhóm lợi ích tiêu dùng có 5 lợi ích; nhóm nhà sản xuất, lắp ráp, doanh nghiệp nói chung có 4 lợi ích và cuối cùng là lợi ích quốc gia với 8 lợi ích. Bên cạnh đó, những khía cạnh tiêu cực cũng được tính đến. “Chúng tôi lượng hoá, không nói bằng cảm tính, cảm xúc và đi theo tổng hoà lợi ích chung của quốc gia”, ông Đông nhấn mạnh.
Cũng Thứ trưởng Đông việc làm chính sách dựa trên lợi ích quốc gia được lý giải bởi các lý do như, đây là ngành công nghiệp của quốc gia, vấn đề lao động, việc làm, vấn đề thuế…
Cụ thể, ngành sản xuất ô tô là ngành công nghiệp của quốc gia, việc lựa chọn Quảng Nam và Vĩnh Phúc là do lựa chọn chủ quan của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trước đó. Việc nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô được đặt tại tỉnh, thành khi phát triển theo cụm liên kết ngành để tạo hiệu quả kinh doanh. Tương tự, đối với người lao động, người làm việc ở Vĩnh Phúc hay Quảng Nam không chỉ là người của 2 địa phương này, đó là người của cả nước. Thuế thu tại đây cũng để đóng cho ngân sách nhà nước.
“Giống như nước Mỹ tập trung nhất vào Detroit. Nước Mỹ cứu Ford cứu General Motors vào 2010 thì không phải cứu Detroit mà là cứu nền công nghiệp của cả nước Mỹ và cứu công ăn việc làm cho cả nước Mỹ”, Thứ trưởng Đông dẫn chứng.
“Chúng ta nên bỏ qua khái niệm lợi ích nhóm đi. Tôi không muốn nhập nhèm kéo từ câu chuyện này sang câu chuyện khác và phức tạp hóa bản chất vấn đề rồi đặt mối hoài nghi. Một lần nữa chúng tôi khẳng định, chúng tôi không xuất phát từ lợi ích của bất cứ nhóm nào hết mà vì lợi ích tổng hòa của quốc gia”, ông Đông nói tiếp.
Đồng quan điểm, ông Lâm Chí Quang, Uỷ viên đoàn Chủ tịch của Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, không nên chia “chiến tuyến” nhập khẩu và sản xuất vì có những doanh nghiệp vừa nhập khẩu và vừa sản xuất ô tô tại Việt Nam, ngược lại có những doanh nghiệp chỉ nhập khẩu không sản xuất như vậy họ được ủy quyền chính hãng.
“Do đó điều kiện này Chính phủ đưa là công bằng và chung cho tất cả, phải đứng trên quan điểm lợi ích tổng thế, quan điểm bảo vệ người tiêu dùng, quan điểm bảo vệ nền công nghiệp ô tô phát triển theo chiều sâu. Nước ta có gần 100 triệu dân, trên thế giới nước nào trên 30 triêu dân đều phải tập trung phát triển công nghiệp ô tô, ngoại trừ Myanmar là trường hợp cá biệt”, ông Quang bổ sung.
“Không nhắm mắt buông thị trường”
Dẫn chứng trường hợp Mỹ, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, đại diện đơn vị thẩm tra dự án Luật của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, năm khủng hoảng tài chính 2008, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ ngân hàng tuy nhiên có ngân hàng được hỗ trợ, có ngân hàng không được hỗ trợ. Sang năm 2009, Chính phủ Mỹ lại mua cổ phần bắt buộc của Ford, General Motors, ba năm sau thực hiện tái cơ cấu, họ lại bán cổ phần.
“Việc thực hiện quốc tế hóa thị trường không có nghĩa là không có bảo hộ. Nhưng các vấn đề của bảo hộ được công khai, minh bạch và dự báo đươc chính sách bảo hộ thị trường đấy. Còn bất cứ quốc gia nào cũng phải bảo vệ lợi thế cạnh tranh của quốc gia mình, chứ không thể nào nhắm mắt mà buông thị trường. Buông thị trường của mình ra, tức là các doanh nghiệp bị mất lợi thế cạnh tranh”, ông Kiên nêu quan điểm.
Ông Kiên cũng cho biết, trước khi quyết định đưa ngành sản xuất ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện trình Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế đã họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 phiên rất căng thẳng. “Ngành nghề sản xuất ô tô khi đưa lên bàn cân thấy có nhiều tiềm năng để phát triển theo chiều sâu, do đó các cơ quan thẩm tra thiên về phía ủng hộ. Tất nhiên là ủng hộ có điều kiện, yêu cầu bên Chính phủ làm rõ”, ông Kiên cho biết thêm.
Trước ý kiến cho rằng ngành ô tô được hỗ trợ rồi nhưng chưa phát triển nhưng vẫn đặt ra vấn đề tạo điều kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, ông không thích đặt vấn đề bảo hộ và tự do. Dẫn từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng nói “phòng vệ chính đáng”, ông Đông cho rằng, từ này nêu chính xác bản chất vấn đề.
Theo lý giải của ông Đông, nếu chúng ta bảo hộ quá đáng thì không có đổi mới sáng tạo, không có vươn lên, không có cạnh tranh. Nhà nước sẽ đứng lên bảo vệ những ai có năng lực cạnh tranh xứng đáng. Phòng vệ chính đang là bảo vệ những ai đáng được bảo vệ.
“Chúng ta không khuyến khích thị trường dễ dãi theo kiểu củ khoai, củ sắn xuất đi nhận hết, như vậy sẽ tự bóp chết nền kinh tế trong tương lai khi không thể đóng cửa. Chúng tôi muốn tạo thị trường khắt khe mà doanh nghiệp vươn tới để đạt được lợi ích đấy thì khi đó mới có thể có sản phẩm người Việt dùng được cho người Việt”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Hà Anh