Công nghệ ngành thép trong nước còn thấp so với khu vực và thế giới

(Dân trí) - Dự thảo Báo cáo tổng hợp đề án "Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035" của Bộ Công Thương dẫn kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp thép trong nước cho biết, trình độ công nghệ của ngành còn ở mức thấp so với khu vực cũng như thế giới, chưa có sự đồng đều giữa các khâu sản xuất.

Đến nay, trình độ công nghệ ngành thép có tăng lên nhưng không được cải thiện đáng kể.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 13.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica}
Đến nay, trình độ công nghệ ngành thép có tăng lên nhưng không được cải thiện đáng kể.

Công nghệ ngành thép còn thấp

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, về công nghệ luyện gang, cho đến nay, ngành thép Việt Nam chỉ sản xuất gang bằng công nghệ lò cao sử dụng than cốc. Đây cũng là công nghệ thế giới đang dùng chủ yếu vì ưu điểm của công nghệ này là sản xuất ổn định với sản lượng lớn.

Tuy nhiên, các lò cao ở Việt Nam đều thuộc loại nhỏ và rất nhỏ, thế hệ cũ, trên thế giới hầu như đã bỏ không sử dụng. Hiện nay, lò có công suất lớn nhất ở Việt Nam là lò cao 750 m3 của Tập đoàn Hòa Phát, trong khi các nước như Trung Quốc sử dụng lò cao trên 2000 m3­ là chủ yếu và chỉ có 2 lò cao (trong tổng số 55 lò cao) dung tích dưới 1000 m3.

Về công nghệ luyện thép, luyện thép bằng lò điện hồ quang là công nghệ luyện thép phổ biến nhất ở Việt Nam. Lò điện có công nghệ tiên tiến với trang thiết bị hiện đại nhất trong nước hiện nay là lò điện có công suất 120 tấn/mẻ của Công ty CP Thép Pomina, đạt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật ở mức tiên tiến của thế giới. Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Thép FUCO công suất 90 tấn/mẻ, Thép Phú Mỹ công suất 70 tấn/mẻ, Công ty thép Thép Việt (Pomina 2), Công ty CP thép Việt Ý sử dụng lò điện 60 tấn/mẻ và Công ty Gang thép Thái Nguyên dùng lò điện 30 tấn/mẻ (sử dụng gang lỏng với tỷ lệ 50÷60%) để sản xuất phôi thép.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hầu hết các lò điện hồ quang đang sử dụng đều là thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc chế tạo trong nước, thuộc loại lò nhỏ, công nghệ lạc hậu, có các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu như tiêu hao điện năng, điện cực graphit, tiêu hao nguyên liệu (thép phế), thời gian luyện đều ở mức cao so với mức bình quân trên thế giới. Hầu hết các cơ sở sử dụng nguyên liệu chính là thép phế liệu. Luyện thép bằng lò điện hồ quang là công nghệ khá phổ biến trên thế giới (chiếm tỷ trọng 30 - 40%).

Hiện tại, ngành thép Việt Nam đang chủ yếu tập trung ở khâu cán thép. Đánh giá về trình độ công nghệ, có thể chia các nhà máy cán thép thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm có trình độ công nghệ, thiết bị ở mức tiên tiến là các nhà máy liên doanh hoặc mới xây dựng như Vinakyoei, Thép Phú Mỹ của Công ty Thép miền Nam, Pomina của Công ty CP thép Pomina, Thép Hoà Phát, Posco… Các nhà máy sử dụng công nghệ và thiết bị của Italy, Nhật Bản, thuộc thế hệ mới, tương đối hiện đại, có mức độ tự động hoá khá cao, sản xuất với quy mô từ 500.000 - 1.000.000 tấn/năm.

Nhóm có trình độ công nghệ, thiết bị ở mức trung bình là các nhà máy cũ của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Đà Nẵng, các doanh nghiệp FDI (Vinausteel, SSE, Tây Đô, SunSteel), Công ty CP Thép Việt Nhật Hải Phòng, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Nam Đô. Các nhà máy đang sử dụng thiết bị của Trung Quốc với quy mô sản xuất 120.000 - 200.000 tấn/năm.

Nhóm có trình độ công nghệ, trang thiết bị lạc hậu bao gồm các nhà máy cán nhỏ, xưởng cán nhỏ thuộc các công ty cơ khí và tư nhân quy mô nhỏ, sử dụng các thiết bị chế tạo trong nước, công suất từ 5.000 - 20.000 tấn/năm.

Khả năng cạnh tranh kém, dư thừa năng lực sản xuất

Bộ Công Thương đánh giá, trong thời gian qua, các sản phẩm của ngành, tuỳ theo từng loại đã đáp ứng hoàn toàn hoặc một phần nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, khi so sánh với các nước có thể thấy sức cạnh tranh của ngành thép Việt Nam còn yếu do quy mô nhỏ, chưa đạt quy mô kinh tế, trình độ công nghệ ở mức thấp và trung bình, tiêu hao nguyên nhiên liệu cao, giá thành cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư của ngành còn bất hợp lý, phần lớn các doanh nghiệp chỉ tập trung vào khâu nhập dây chuyền và phôi về để cán thép, sản xuất một loại sản phẩm mà nguồn cung đã vượt xa nhu cầu của thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc nhiều bên ngoài, giá sản phẩm bấp bênh khó kiểm soát.

Phân tích khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm cho thấy, phôi thép được đánh giá có khả năng cạnh tranh khá trên thị trường nội địa, chủ yếu do cung chưa đáp ứng được cầu. Trong khi đó, thép xây dựng chất lượng tương tự như các nước trong khu vực nhưng khả năng cạnh tranh thấp do sản xuất bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài, phần lớn các cơ sở sản xuất không đầu tư từ khâu thượng nguồn (luyện phôi) đến hạ nguồn (cán ra sản phẩm) nên phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu, giá phôi, tỷ giá ngoại tệ…

Đáng lưu ý, dự thảo báo cáo này cũng chỉ ra rằng, đã có sự dư thừa với một số sản phẩm thép. Cụ thể, năng lực sản xuất toàn ngành năm 2015 là 3.079.000 tấn ống thép hàn, 5.750.000 tấn thép lá cán nguội, trong khi tổng lượng tiêu thụ ống thép hàn và thép lá cán nguội năm 2015 lần lượt là 1.548.000 tấn và 2.930.000 tấn. Do cung vượt xa cầu nên các nhà máy phải sản xuất cầm chừng, không phát huy hiệu quả hoặc tìm hướng xuất khẩu.

Sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường càng cách xa, mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế càng quyết liệt. Ngoài ra, sản phẩm trong nước còn bị cạnh tranh bởi các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất từ các nước có công nghệ tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Lợi nhuận của ngành không ổn định, trong 3 năm liên tiếp từ 2012 đến 2014 ngành sản xuất thép không có lợi nhuận. Một số doanh nghiệp sản xuất thép phá sản, không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng chỉ đạt 30÷50% so với công suất thiết kế. Nguyên nhân là do lạm phát và suy thoái kinh tế, giá thành sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn sản phẩm trong nước...

Phương Dung