DNews

Cơn sốt gom vàng chưa hạ nhiệt: Nước nào đang dự trữ nhiều vàng nhất?

Phương Liên

(Dân trí) - Làn sóng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ trong nửa đầu năm, các nước đã đổ xô dự trữ gần 400 tấn vàng.

Cơn sốt gom vàng chưa hạ nhiệt: Nước nào đang dự trữ nhiều vàng nhất?

Các nước ồ ạt dự trữ gần 400 tấn vàng

Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương nhiều quốc gia trên thế giới "gom" gần 400 tấn vàng.

Theo State Street Global Advisors, công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới, ngân hàng trung ương toàn cầu tập trung thâu tóm, dự trữ số lượng vàng kỷ lục từ đầu năm 2022. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi nhiều nước trên thế giới đang tìm cách thoát khỏi tình trạng tập trung quá mức vào việc dự trữ đồng USD.

Ngoài việc đa dạng hóa dự trữ, ngân hàng trung ương toàn cầu mong muốn cải thiện cân đối kế toán, tăng tính thanh khoản mà không vướng thêm rủi ro tín dụng.

"Các ngân hàng trung ương khắp thế giới đẩy mạnh mua vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán và tăng thanh khoản từ tài sản ít có rủi ro tín dụng. Việc dự trữ vàng cũng hạn chế được các thay đổi do rủi ro kinh tế và tình hình chính trị bất ổn ngày càng tăng hiện nay", Maxwell Gold, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư vàng tại Ngân hàng State Street, chia sẻ với Business Insider.

Cơn sốt gom vàng chưa hạ nhiệt: Nước nào đang dự trữ nhiều vàng nhất? - 1

Ngân hàng Trung ương nhiều quốc gia trên thế giới "gom" gần 400 tấn vàng (Ảnh: Bloomberg).

Ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng đang tìm cách để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trước áp lực mất giá từ nỗi lo Mỹ giữ lãi suất cao hơn và tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng vì căng thẳng địa chính trị gia tăng. 

Hiện nay, các đồng tiền ở châu Á đang dễ tổn thương trước rủi ro dòng vốn chảy ra nước ngoài. Lãi suất cơ bản của các nền kinh tế trong khu vực cũng đang thấp hơn so với ở các nền kinh tế mới nổi.

Trung Quốc và Nga là 2 quốc gia dẫn đầu trong phong trào hạn chế sử dụng đồng USD. Điều này cũng khiến Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cân nhắc triển vọng về loại tiền tệ chung.

Các chuyên gia cũng cho rằng những hành động này là một phần của xu hướng phi USD hóa trên toàn cầu. Các quốc gia muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại và đầu tư, sau khi Mỹ tận dụng ưu thế của đồng bạc xanh để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với một số quốc gia.

Quốc gia nào có nhiều vàng dự trữ nhất?

Làn sóng mua vàng tích trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng đã dự trữ lượng vàng lớn nhất từ trước đến nay, lên tới khoảng 1.083 tấn.

Bước sang năm 2023, làn sóng mua vàng tích trữ của các quốc gia vẫn đang diễn ra khi có tới 387 tấn vàng ròng được mua vào trong nửa đầu năm nay.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, tính đến quý II/2023, Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu về số lượng vàng dự trữ với hơn 8.133 tấn. Tiếp sau đó là Đức với khoảng 3.352 tấn, Italy với hơn 2.451 tấn, Pháp với hơn 2.436 tấn, Nga với 2.329 tấn và Trung Quốc với 2.113 tấn.

Mặc dù đứng thứ 6 về lượng vàng dự trữ nhưng lượng vàng được khai thác ở Trung Quốc lại nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngoài ra, Australia cũng là nơi có trữ lượng mỏ vàng lớn nhất toàn cầu và nước sản xuất vàng lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Trong giai đoạn từ 2002 đến 2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tích lũy 1.448 tấn vàng và tiếp tục động thái mua vào từ cuối năm 2022.

Nhiều người suy đoán rằng trong thời kỳ đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục bổ sung vào kho dự trữ nhưng không công bố các giao dịch. Theo Mises Daily, nhiều người còn cho rằng Trung Quốc đang sở hữu hàng nghìn tấn vàng "ngoài sổ sách". 

Ngoài Trung Quốc, một "ông lớn" khác cũng đang tăng cường mua vàng là Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù đã có những đợt bán ra lớn hồi đầu năm, lượng vàng mua ròng của ngân hàng trung ương nước này vẫn luôn ở mức cao.

Sau khi tạm dừng vào cuối năm 2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã trở lại mua vàng với số lượng khiêm tốn. Ấn Độ hiện là quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 9 trên thế giới.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WCG), có 2 động lực chính thúc đẩy các ngân hàng trung ương mạnh tay gom vàng là loại tài sản đã hoạt động hiệu quả trong thời kỳ khủng hoảng và vàng cũng đóng vai trò là kho lưu giữ giá trị dài hạn. Chính vì vậy, WCG dự báo các Ngân hàng Trung ương vẫn sẽ tiếp tục tăng lượng vàng mua vào.

Tài sản chống lại rủi ro

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã trở thành những người mua vàng ròng nhiều nhất và duy trì vị thế này kể từ đó đến nay. Vàng cũng được coi là giải pháp thay thế an toàn cho các loại tiền dự trữ như đồng USD, euro và yên Nhật nhờ tính thanh khoản, phổ biến cùng khả năng giữ giá.

Theo Business Insider, các ngân hàng trung ương trên thế giới sử dụng vàng để đa dạng hóa nguồn dự trữ, tránh phụ thuộc quá mức vào đồng USD, củng cố bảng cân đối kế toán và đạt được thanh khoản từ loại tài sản có ít rủi ro tín dụng.

Trong những năm gần đây, hệ thống thanh toán của SWIFT đã được Mỹ và các nước đồng minh tận dụng để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vào năm 2015 và Nga vào năm 2022. Đây được xem là chiến thuật "vũ khí hóa" đồng USD.

Cơn sốt gom vàng chưa hạ nhiệt: Nước nào đang dự trữ nhiều vàng nhất? - 2

Vàng càng ngày càng được coi là một giải pháp thay thế an toàn cho các loại tiền dự trữ (Ảnh: CNBC).

Các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ coi những biện pháp trừng phạt quốc tế là mối đe dọa sẽ thúc đẩy quá trình chuyển từ tài sản bằng đồng USD sang các loại tài sản khác như vàng, đặc biệt là trong trường hợp họ gặp lệnh trừng phạt từ quốc gia có tiền tệ dự trữ.

Giá vàng tăng mạnh cũng do nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyển sang vàng để chống lại những rủi ro dài hạn. Các thị trường mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, chiếm tỷ trọng lớn trong lượng mua vàng ròng trong những năm gần đây. 

Tuy nhiên, lượng vàng dự trữ của các thị trường mới nổi vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển khác về cả tổng lượng vàng nắm giữ và tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối.

Nhu cầu được dự báo sẽ tăng cao

Giá vàng thế giới tăng cao trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông khiến các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản "trú ẩn an toàn".

"Giá vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/ounce trong ngắn hạn nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang", Ryan McIntyre, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management nhận định với Reuters.

"Ngoài ra, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng việc tăng lãi suất hoặc giảm khả năng tăng lãi suất trong tương lai, điều đó sẽ có lợi hơn nữa cho giá vàng".

Cơn sốt gom vàng chưa hạ nhiệt: Nước nào đang dự trữ nhiều vàng nhất? - 3

Giá vàng thế giới tăng cao trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông (Ảnh: Kitco).

Vàng được coi là phương tiện lưu trữ giá trị an toàn trong bối cảnh bất ổn chính trị và tài chính. Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao về thị trường vàng Kitco Metals, cho rằng vàng sẽ giảm trở lại nếu tình hình ở Trung Đông giảm bớt. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết thị trường đang dự kiến tình hình sẽ tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, nhà phân tích Fawad Razaqzada của Công ty tài chính City Index lại có quan điểm thận trọng hơn khi cho rằng với tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ còn giữ xu hướng tăng, giá vàng đối mặt với rủi ro sụt giảm bất kỳ lúc nào.