Cơn "sốt" bánh ngải màu xanh lét, tiểu thương "hốt bạc" bán mỏi tay

An Chi

(Dân trí) - Với giá bán chỉ từ 4.000 - 6.000 đồng chiếc, bánh ngải Lạng Sơn có màu xanh mướt mắt đang gây sốt trên chợ mạng. Thậm chí, nhiều chị em còn rủ nhau mua chung cả trăm chiếc về ăn dần.

Gần đây, món bánh ngải Lạng Sơn đang gây sốt trên chợ mạng khiến giới nội trợ "phát cuồng". Do bánh được làm từ gạo nếp và lá ngải cứu nên khi ra lò, bánh có màu xanh mướt mắt.

Chỉ với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/chiếc, nhiều "thượng khách " không ngại rút ví mua cả trăm chiếc về ăn, biếu người thân, bạn bè.

Cơn sốt bánh ngải màu xanh lét, tiểu thương hốt bạc bán mỏi tay - 1

Bánh ngải được rao bán rầm rộ trên chợ mạng với giá 4.000 - 6.000 đồng/chiếc

Chị Ngọc Linh - một tiểu thương trên chợ mạng - cho biết: Trung bình mỗi ngày chị bán ra thị trường gần 1.000 chiếc bánh ngải. Khách mua đa phần là các chị em văn phòng, mẹ bỉm sữa và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. 

"Thoạt nhìn qua, bánh ngải có hình dáng khá giống với món bánh giầy. Tuy nhiên thay vì màu trắng thì bánh ngải lại có màu xanh, bóng nhẫy, trông rất tươi mát. Đây vốn là món ăn đặc sản của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn" - chị nói.

Theo chị Linh, vài năm trở lại đây, người dân Hà Nội có xu hướng tìm về các món ăn quê, dân dã, nói không với chất bảo quản. Thế nên, các món ăn vùng miền độc đáo luôn là mặt hàng bán chạy, kinh doanh tốt với tiểu thương.

"Tôi đã bán bánh ngải được tầm 3 năm nên lượng khách khá ổn định. Nguồn tiêu thụ chủ yếu là các hội nghị, tiệc gia đình và các quán hàng thực phẩm. Nếu bán buôn thì bánh sẽ có giá 2.500 - 3.000 đồng/chiếc, còn giá bán lẻ thì dao động 4.000 - 6.000 đồng/chiếc" - chị thông tin.

Cơn sốt bánh ngải màu xanh lét, tiểu thương hốt bạc bán mỏi tay - 2

Bánh ngải được làm từ gạo nếp và lá ngải cứu

Tương tự, anh Minh Quang (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết hiện anh phải từ chối nhận đơn bánh do quá tải. Gần 2 tuần nay, anh phải huy động cả gia đình phụ giúp vì làm không xuể. 

"Tôi vốn là người gốc Lạng Sơn nên biết làm bánh ngải từ nhỏ. Vào dịp lễ tết, tôi hay gói biếu bạn bè, hàng xóm mỗi người một ít để thưởng thức. Ban đầu tính chỉ là làm cho vui, nhưng không ngờ mọi người cứ khen bánh ngon và khuyên tôi mở tiệm" - anh Quang nói.

Ngoài ra, anh Quang còn cho rằng, bánh ngải muốn ngon thì phải có gạo tốt, nhân sên phải mềm, ăn vừa miệng. Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. 

Cơn sốt bánh ngải màu xanh lét, tiểu thương hốt bạc bán mỏi tay - 3

Bánh ngải có 2 dòng là không nhân và có nhân, có nhân thường bằng mè đen hoặc đậu xanh sên nhuyễn

Chị Minh Huyền (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay vừa đặt mua 200 chiếc bánh ngải về làm cỗ. Thay vì khai vị bằng món bánh dày như mọi khi, chị lựa chọn bánh ngải. Để đảm bảo an toàn, chị mua ở chỗ người quen với giá 5.000 đồng/chiếc đã bao gồm phí vận chuyển.

"Lần đầu tiên tôi được ăn bánh ngải là khi đi công tác Lạng Sơn. Dù bánh làm bằng lá ngải cứu nhưng khi ăn không có vị đắng mà có mùi thơm, bùi, đặc biệt là không bị ngấy. Sau khi tìm hiểu, tôi còn biết, lá ngải có rất nhiều công dụng như chữa đau đầu, điều hòa kinh nguyệt, giảm mụn nhọt và trị cảm lạnh nên tôi càng thích" - chị Huyền cho biết thêm.