Quán bánh mì nướng muối ớt: Ngày bán 500 chiếc, xếp hàng chờ mua
Là một trong những địa điểm ăn vặt “hot” của giới trẻ thời gian gần đây, quán bánh mì nướng muối ớt trên phố Chùa Láng lúc nào cũng đông nghịt khách, thậm chí giờ cao điểm còn phải xếp hàng chờ mua. Nhờ vậy, quán bán tới 500 chiếc/ngày.
Không phải cao lương mỹ vị, cũng không phải những món ăn độc lạ, bánh mì là món ăn dân dã quen thuộc, ngày càng được biến tấu đa dạng tạo nên những hương vị mới lạ.
Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp các hàng quán bánh mì với đủ loại: bánh mì cay Hải Phòng, bánh mì que Đà Nẵng, bánh mì xíu mại Đà Lạt hay đơn giản là bánh mì pa-tê truyền thống,... Có khi chỉ một con phố nhỏ xuất hiện tới hàng chục hàng bánh mì khác nhau.
Song, nếu ai đi qua phố Chùa Láng (Hà Nội), chắc hẳn sẽ thấy quán bánh mì nướng muối ớt (loại bánh mì đang “làm mưa làm gió” ở TP.HCM) với vài ba chiếc ghế nhựa nhưng khách thì đông nghịt. Bên trong quán, mùi bánh mì nướng tỏa ra thơm phức, béo ngậy. Vào giờ cao điểm, dòng người xếp hàng càng đông làm sôi động cả một góc phố, khiến ai đi qua cũng phải tò mò ngoái lại nhìn.
Anh Bùi Trịnh Minh - chủ quán rất niềm nở đón khách. Tay vừa thoăn thoắt nướng bánh anh vừa kể mới bán bánh mì này gần 3 năm nay. Nghe tên “bánh mì muối ớt” nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị mặn và cay, nhưng hương vị đã được anh chế biến theo công thức riêng để ai cũng có thể ăn được.
Sinh sống và làm việc ở TP.HCM một thời gian, anh Minh quyết định ra Hà Nội lập nghiệp. Trước đây anh làm cho một nhà hàng, công việc gò bó không đúng với sở thích, vì vậy anh tính toán tìm phương án kinh doanh với vốn đầu tư thấp lại ít rủi ro.
Nhận thấy bánh mì là món ăn phổ biến, bình dân, tiện lợi, nhất là ở các thành phố lớn và mỗi quán lại có hương vị đặc trưng riêng, song để tạo nên cái mới hút khách trên lối đi cũ không phải chuyện dễ dàng.
Vốn có sở thích tìm tòi, thưởng thức những món ăn mới lạ, quãng thời gian sống trong TP.HCM cho anh nhiều trải nghiệm. Anh biết đến những món ăn vặt đường phố đa dạng, mới mẻ của Sài Gòn, trong đó có bánh mì nướng muối ớt. Loại bánh này đã có từ lâu nhưng vẫn được rất nhiều người ưa chuộng.
Năm 2017, anh Minh quyết định mở quán bánh mì nướng muối ớt trên phố Chùa Láng để theo đuổi đam mê, sở thích của mình.
Ban đầu, anh giữ nguyên công thức làm bánh trong Nam. Khi một vài vị khách góp ý anh mới nhận ra, bánh có vị mặn và cay chưa phù hợp với khẩu vị đa số người dân Thủ đô, hơn nữa quán lại chưa quen khách nên mỗi ngày anh chỉ bán được khoảng 100 chiếc.
“Kinh nghiệm học hỏi từ trước đã giúp tôi dần sáng tạo được gia vị theo cách riêng của mình cho mới lạ, giảm độ cay và mặn cho phù hợp. Cứ thế, người này giới thiệu người kia, họ thấy lạ đến ăn một vài lần rồi thành quen, quán cũng ngày một đông khách hơn”, anh nói.
Cái ngon của bánh mì nướng muối ớt là phần nước sốt sa tế lạ miệng, vừa có vị cay, mặn, ngọt lại không quá ngậy, bởi mỗi nơi có công thức pha nước sốt riêng. Bánh ngon hay không phụ thuộc vào cách người bán chế biến, gia giảm lượng gia vị sao cho hài hòa, ngon miệng.
Bánh mì sau khi ép dẹp cho lên vỉ nướng sơ, sau đó phết lên lớp bơ mỏng và nước sốt sate rồi nướng cho vàng đều tầm 3-4 phút để nước sốt ngấm vào trong ruột bánh. Phần “nhân bánh” rắc lên trên cũng quan trọng không kém, với các vị phong phú gồm chà bông, hành khô, xúc xích, bò khô, tép khô, dưa chuột, tương ớt,...
Cái hay, cái lạ của bánh mì nướng muối ớt cũng bởi bánh mì được cắt ra thành từng miếng nhỏ rồi trộn đẫm sốt, bày nhân bánh lên trên chứ không để nguyên cái như bánh mì truyền thống. Vỏ bánh giòn rụm kết hợp với phần nhân và ruột bánh mì mềm xốp khiến ai cũng mê mẩn, ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm..
Tùy theo yêu cầu của khách, phần nhân có thể thêm pa-tê, xá xíu hoặc sốt bơ, mật ong với giá dao động từ 15.000-23.000 đồng/chiếc.
Đông khách thì vui, nhưng anh Minh thú thực nghề này rất vất vả. Hôm nào vợ chồng anh cũng bán từ 7 giờ sáng đến tận 9-10 giờ tối mới dọn hàng, rồi lại về chuẩn bị nguyên liệu đến đêm muộn mới ngơi tay.
Song, nhờ sự chăm chỉ đó và hương vị mới lạ của bánh mì nướng muối ớt, mỗi ngày cửa hàng anh bán được 500 chiếc. Giờ cao điểm buổi trưa hay giờ chiều tan tầm, lượng khách đến đông nghịt. Nhiều người phải mua mang đi vì không còn chỗ ngồi, thậm chí phải xếp hàng chờ 10-15 phút mới mua được.
“Tôi phải thuê thêm hai người làm phụ giúp, nếu chỉ mỗi vợ chồng tôi thì không xoay xở kịp. Ngoài bán tại cửa hàng, tôi còn ship đến tận nơi cho khách. May mắn được các bạn sinh viên ủng hộ, có hôm tôi chỉ bán tầm 8 giờ tối là hết hàng”, anh Minh phấn khởi.
Dù mới bán được gần 3 năm, nhưng đến nay, quán bánh mì của anh Minh được không ít người gần xa tìm đến thưởng thức. Tình yêu với ẩm thực đã giúp anh làm nên cái mới lạ từ những món ăn bình dị, thân thuộc gắn bó với bao người.