Cơn "đau đầu" của sếp với thế hệ không sợ thất nghiệp

Việt Đức

(Dân trí) - Thế hệ Z đang dần trở thành lực lượng lao động quan trọng với nhiều doanh nghiệp. Cùng với sự cá tính, năng động, Gen Z còn đặt ra nhiều đề bài mới cho những nhà quản trị nhân sự.

Chia sẻ dự định muốn gắn bó với công ty 3-4 năm trước khi nghĩ đến chuyện nhảy việc với bạn bè cùng trang lứa, Khôi (23 tuổi, ngụ TPHCM) nhận lại nhiều ánh mắt ngạc nhiên. "Sao định làm lâu, trung thành với công ty quá vậy" - một người bạn hỏi Khôi.  

Những nhân sự trẻ thuộc thế hệ Z - gen Z (sinh ra trong giai đoạn 1997-2012 theo định nghĩa của Pew Research Center) với những cách nghĩ mới đang định hình lại khái niệm về môi trường làm việc lý tưởng. 

Có nhiều cơ hội, nhảy việc nhanh hơn

Nguyễn Văn Linh, nhà sáng lập Youth+, nền tảng định hướng và kết nối việc làm cho giới trẻ, nhận xét gen Z nhìn chung năng động, sáng tạo hơn các thế hệ trước, đồng thời tiếp xúc nhiều nền tảng công nghệ từ sớm nên có nhiều góc nhìn mới về công việc. Trong một thế giới mở với nhiều cơ hội công việc hơn các thế hệ trước, gen Z có xu hướng không còn đề cao việc phải làm việc đủ dài, tích lũy đủ kinh nghiệm ở một doanh nghiệp trước khi nhảy việc. 

"Các bạn trẻ bây giờ nếu cảm thấy môi trường không học hỏi được nhiều, lặp đi lặp lại một công việc thường xuyên sẽ nhanh chán, hoặc làm một vài dự án nhưng chưa có thành công ngay sẽ nản, có thể rời đi ngay để tìm một công việc khác. Thay vì đợi tối thiểu 1-2 năm mới nhảy việc như trước đây, nhiều bạn trẻ bây giờ có thể chỉ sau 6 tháng đã nghỉ hoặc thấy nơi nào chào mời tốt hơn là đi luôn", Linh cho biết.

Dưới góc nhìn của lãnh đạo một công ty nhân sự, bà Thanh Lê, Giám đốc quốc gia Adecco Việt Nam, cho rằng gen Z trưởng thành trong một thế giới rộng lớn hơn, tiếp cận nguồn thông tin đa dạng hơn, và có nhiều lựa chọn hơn trong tay. Công việc hiện tại có thể chỉ là một trong những lựa chọn, và nếu công việc đó không mang lại những giá trị mà họ mong đợi thì họ tin rằng vẫn có nhiều cơ hội khác phù hợp hơn. 

Cơn đau đầu của sếp với thế hệ không sợ thất nghiệp - 1

Thế hệ Z có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, có xu hướng làm nhiều công việc cùng lúc (Ảnh minh họa: NYTimes).

Một nghiên cứu của Adecco tại Việt Nam cũng chỉ ra nhân sự thế hệ Z có xu hướng làm nhiều công việc cùng lúc, làm việc tự do (freelance) hoàn toàn, hoặc làm thêm công việc tự do và thời vụ bên cạnh công việc chính thức.

Trinh (22 tuổi, Hà Nội) là một trường hợp điển hình cho xu hướng trên. Vừa tốt nghiệp đại học, cô gái đã tìm được hai công việc cùng lúc trong ngành truyền thông, vừa làm toàn thời gian tại một công ty vừa làm bán thời gian cho một tổ chức phi lợi nhuận. "Gen Z bọn mình không sợ thất nghiệp", Trinh tự tin.

Những đòi hỏi mới của thế hệ Z

Bà Thanh nhìn nhận người lao động thuộc thế hệ gen Z không chỉ muốn được trả lương cao hơn mà còn mong muốn những lợi ích trước đây ít phổ biến hơn như chăm sóc sức khỏe tinh thần và giờ làm việc linh hoạt. Thế hệ Millennials (sinh ra trong giai đoạn 1981-1996) là những người bắt đầu lên tiếng về tính linh hoạt và sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, chủ đề này đang được Gen Z biến thành tiêu chuẩn của môi trường làm việc, nhất là sau đại dịch Covid-19. 

Khảo sát của Adecco cho thấy gần 40% gen Z muốn làm việc từ xa hoàn toàn và khoảng 43% trong số họ muốn dành 50-75% thời gian làm việc tại nhà. Ngược lại, dưới 4% gen Z muốn quay lại văn phòng mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ 24% người lao động thuộc thế hệ Millenials trả lời muốn làm việc tại nhà hoàn toàn.

"Thế hệ Z tin rằng doanh nghiệp cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên, đồng thời họ cho rằng thời gian làm việc không quan trọng bằng hiệu quả cuối cùng", bà Thanh nhận xét.

Cơn đau đầu của sếp với thế hệ không sợ thất nghiệp - 2

Bà Thanh Lê, Giám đốc quốc gia Adecco Việt Nam (Ảnh: Hương Hồ).

Văn Linh cũng có cùng quan điểm lương thưởng chỉ là một phần trong việc quyết định gắn bó với doanh nghiệp của nhân sự gen Z. Muốn giữ chân thế hệ người lao động mới này, ngoài phúc lợi, các công ty cần phải tạo ra môi trường làm việc gần gũi, gắn bó khi nhiều người trẻ mong muốn nơi làm việc thật sự là ngôi nhà thứ hai chứ không chỉ là một văn phòng sáng đi chiều về. 

"Nhiều bạn trẻ bây giờ mong muốn một môi trường vui vẻ, tự do, ví dụ có thể thoải mái đặt đồ ăn, trà sữa chứ không chỉ ngồi làm việc suốt 8 tiếng. Các bạn cần sự kết nối chứ môi trường làm việc nếu cứng quá cũng sẽ khó giữ chân được gen Z dù thu nhập tốt. Đồng thời người sếp rất quan trọng với các bạn trẻ, họ cần truyền được cảm hứng, động lực, dẫn dắt. Các bạn trẻ mong muốn được góp ý nên sẽ rất dễ nản khi phải tự làm mà không thành công", Linh nêu quan điểm. 

Từ câu chuyện của bản thân và bạn bè, Khôi cũng cho rằng thế hệ của mình sẽ gắn bó với công việc vì sếp trực tiếp. Càng được sếp hỗ trợ, có thể học hỏi nhiều từ sếp, mức độ gắn bó với công ty sẽ càng cao và ngược lại. "Nếu cảm thấy người sếp không vừa ý, không như kỳ vọng của mình, gen Z sẵn sàng nghỉ việc luôn. Bạn bè mình hay nói đùa ngày xưa nhân viên đi làm sợ sếp còn giờ sếp phải sợ nhân viên", Khôi chia sẻ.  

Cùng quan điểm trên, bà Thanh cho rằng nhân sự trẻ thuộc thế hệ Z sẽ tìm thấy động lực làm việc và gắn bó với công ty nếu tìm được người quản lý sẵn sàng hỗ trợ sự nghiệp của họ. Họ mong đợi những nhà lãnh đạo có thể giúp họ tìm cảm hứng trong công việc hàng ngày, đồng thời khuyến khích họ thử những điều mới và phát triển chuyên môn theo thời gian.

"Gen Z cũng có xu hướng tôn trọng cấp trên khi họ chứng tỏ được năng lực thật sự, chứ không đơn giản chỉ vì nhân vật đó lớn tuổi hơn, chức vụ cao hơn, hay có kinh tế ổn định hơn", bà nhấn mạnh.