Làm việc từ xa: Lợi thì có lợi...
(Dân trí) - Trong thế giới hậu đại dịch, mọi thứ dường như đều trở lại bình thường, từ rạp chiếu phim đến việc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nhiều người lại không muốn từ bỏ hình thức làm việc từ xa.
Trong 23 tháng làm việc trực tuyến vừa qua, rất nhiều nhân viên đã nhận ra thêm các lợi ích của làm việc tại nhà, không chỉ đơn thuần là để tránh nhiễm bệnh. Ví dụ như thời gian ăn trưa có thể dùng để tập thể thao hay nướng bánh mì, và mặc cho bạn làm việc ở đâu, mọi người đều có đặc quyền tận hưởng nghỉ ngơi ngay sau khi tan làm.
Tuy làm việc tại nhà giúp chúng ta quan tâm đến sức khỏe bản thân hơn như đi bộ và tập yoga cùng các hoạt động với hàng xóm, thì những tiện ích này cũng đi kèm với sự xáo trộn, khiến kĩ năng giao tiếp bị hạn chế, văn hóa công ty bị lãng quên, nhân viên bị cô lập.
Đối với nhiều người, lợi ích của làm việc tại nhà vượt trội so với khuyết điểm của cách thức làm việc đó. Tuy nhiên, đối với Gen Z, làm việc tại nhà có thể sẽ không phải là trải nghiệm công việc mang đến cảm giác hoàn thiện và có lợi bản thân. Dưới đây là những nhược điểm của làm việc từ xa mà Gen Z nên cân nhắc.
Nguy cơ bị cô lập
Khảo sát của Viện nghiên cứu Pew cho thấy có 60% nhân viên cảm thấy lạc lõng hơn khi giao tiếp với đồng nghiệp so với trước thời làm việc từ xa.
Mặc dù việc duy trì quan hệ gắn kết với đồng nghiệp không có ý nghĩa nhiều lắm đối với những nhân viên có nhiều năm làm việc trong công ty, bởi vì họ đã cảm thấy ổn định trong công việc và hài lòng với đời sống xã hội của họ. Nhưng đối với những Gen Z mới ra trường, không đến văn phòng có nghĩa là không có cơ hội trò chuyện với đồng nghiệp.
Các công ty làm việc từ xa phải phụ thuộc nặng vào những nền tảng như Zoom hay Slack để giao tiếp. Khi làm việc trên mạng, những nhân viên kỳ cựu sẽ dễ dàng trao đổi với nhau hơn. Còn đối với những nhân viên mới vào, điều này khiến họ khó biến đổi quan hệ công việc thành quan hệ bạn bè. Chỉ được nhìn nhau trên màn hình Zoom sẽ khó có thể giúp Gen Z cảm thấy được kết nối với nhau khi làm việc, chưa kể đến động lực rủ nhau đi chơi sau giờ tan làm.
Động lực làm việc giảm sút
Nơi làm việc có tác động không nhỏ đến năng suất và mức độ tập trung làm việc. Theo một cuộc bình chọn của Gallup, 41% người tham gia thích làm việc ở văn phòng bởi vì ở đó, họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn. Và trong khi phần lớn mọi người đều thích làm việc từ xa để tránh việc giao tiếp liên tục, thì 29% trong số này nói rằng họ cảm thấy bị sao nhãng hơn khi ở nhà.
Nghiên cứu của Pew cũng chỉ ra tuổi tác có vai trò nhất định trong việc phản hồi với môi trường làm việc từ xa. 53% nhân viên từ 18-29 tuổi đều cảm thấy thiếu động lực khi làm việc ở nhà, trong khi chỉ có 20% nhân viên kì cựu từ 50 tuổi trở lên mới gặp phải tình trạng này.
Giải thích hợp lý cho vấn đề này chính là kỹ năng giao tiếp kém và tinh thần trách nhiệm bị hạn chế khi ở bên ngoài văn phòng công ty. Một nhân viên Gen Z đã kể với tờ Times rằng: "Khi làm việc từ xa, bạn phải thực sự giải thích từng chút cho mọi người. Nếu có ai đó không gặp bạn, tức là họ không biết bạn". Chính những khó khăn này đã ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của nhân viên.
Mất phương hướng trong cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Theo các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Australia), làm việc từ xa khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc duy trì sự tách biệt giữa công việc và đời sống cá nhân. Những người làm việc tại nhà được khảo sát đã miêu tả chi tiết rằng họ cảm giác như sống trong nỗi chán chường, không thể phân biệt đâu là thế giới ảo và thật, đâu là riêng tư và cộng đồng.
Một số Gen Z tham gia thị trường lao động có thể đã cảm thấy thoải mái điều hướng sự cân bằng này. Nhưng đối với nhiều người khác, không có lý do để đi ra khỏi nhà vào buổi sáng khiến họ mất phương hướng.
Vậy nên, câu hỏi mà Gen Z cần hỏi bản thân không phải là "Bạn muốn làm gì để kiếm sống?", mà chính là "Bạn muốn làm việc để kiếm sống như thế nào?".