1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có thể can thiệp bắt buộc đối với một ngân hàng yếu kém

(Dân trí) - Ngân hàng cuối cùng trong 9 ngân hàng yếu kém đang được thẩm định phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, NHNN cho biết có thể sẽ phải sử dụng biện pháp can thiệp bắt buộc, dù chưa có tiền lệ.

Có thể áp biện pháp can thiệp bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém
Đến thời điểm hiện tại, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật.

Tại báo cáo về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, cơ quan này cho hay, qua tiến hành đánh giá, phân loại các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã xác định được một số đối tượng yếu kém hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn hoạt động.

Các TCTD này được cho biết nằm trong diện “ưu tiên tập trung tái cơ cấu”. Theo đó, đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ 8 phương án cơ cấu lại đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Trong số này, có 3 ngân hàng đã được hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng sẽ được hợp nhất với tổ chức tín dụng khác, 1 ngân hàng đã được sáp nhập và 3 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại. 

Riêng đối với 1 ngân hàng yếu kém còn lại, cơ quan điều hành tiết lộ, đang thẩm định phương án do ngân hàng này đề xuất và có khả năng phải sử dụng biện pháp can thiệp bắt buộc. 

Theo khẳng định về chủ trương của NHNN, tất cả các phương án tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện và NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. 

Hiện nay, NHNN đang giám sát chặt chẽ việc các NHTM thực hiện các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt nhằm đảm bảo các NHTM thực hiện đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra.

Cũng trong báo cáo lần này, NHNN cho biết, năm vừa rồi đã thanh tra, giám sát ngân hàng đã thực hiện tổng số 744 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc thanh tra pháp nhân.

Điểm mới sau nhiều năm thực hiện đó là NHNN đã công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như minh bạch mức xử phạt. Qua đó, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm vượt trần lãi suất, xử lý đối với 6 ngân hàng thương mại yếu kém; xử phạt các vi phạm hành chính ...

Theo đó, 20 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 tổ chức, bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần, quỹ tín dụng nhân dân lẫn doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, có 3 ngân hàng đã được sáp nhập với nhau là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB). Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) đã sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). 

Một ngân hàng đang trình đề án sáp nhập với Công ty tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC). 

3 ngân hàng đã được thông qua phương án tự tái cơ cấu là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank); Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) và TienPhongBank. 

Bên cạnh đó, phương án cơ cấu lại của Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) cũng đang được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm