Các ngân hàng yếu kém đã tái cơ cấu như thế nào?
(Dân trí) - Nếu như Nam Việt cơ cấu lại nợ, Đại Tín bán gần 85% cổ phần cho nhóm cổ đông mới, TienPhongBank bán 20% cổ phần cho 1 nhóm nhà đầu tư tư nhân, WesternBank có kế hoạch sáp nhập với PVFC thì thông tin của GP Bank vẫn hiếm hoi.
Việc tái cơ cấu của từng ngân hàng phải đảm bảo không gây ra xáo trộn, đổ vỡ cho thị trường, đảm bảo tối đa quyền lợi người gửi tiền.
Góp phần tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức, TS Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh và tương đối hoàn chỉnh về hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng thương mại Việt Nam (NHTM) trong vòng 1 năm qua.
Theo đó, trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành phân loại thành 3 nhóm lớn để xác định mức rủi ro. Trong đó, nhóm thứ ba là nhóm các tổ chức tín dụng đang có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu bằng nhiều hình thức như yêu cầu các ngân hàng lớn tham gia mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư, mua lại hoặc hợp nhất, sáp nhập.
Thông qua các biện pháp khác nhau, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ và tiến hành chỉ đạo sắp xếp để không gây ra những xáo trộn, đổ vỡ, đồng thời bảo đảm tối đa quyền lợi của người gửi tiền.
Tại tham luận lần này, TS Dương đã cập nhật tình tái cơ cấu của những ngân hàng bị bắt buộc tái cơ cấu trong năm 2012, đáng lưu ý có Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank), Ngân hàng TMCP Đại Tín ( TrustBank), NHTMCP Tiên Phong (TienphongBank) và NHTMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Bài viết không nhắc lại những vụ sáp nhập đình đám như Habubank vào SHB hay sáp nhập 3 ngân hàng SCB.
Navibank:
Hiện phương án tự tái cơ cấu của Navibank đã được chuyển lên NHNN để xem xét, bổ sung trình Chính phủ.
Dẫn kết luận thanh tra vào tháng 2/2012 của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, TS Tô Ánh Dương cho biết, Navibank đã được trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng…
Điều đó dẫn đến vốn chủ sở hữu của Navibank còn lại là 2.513 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với đó, Navibank đã triển khai các biện pháp nhằm giảm một số khoản nợ xấu theo kết luận thanh tra, phối hợp với khách hàng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo, mời đơn vị định giá độc lập để định giá lại các tài sản đảm bảo làm căn cứ và trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.
Sau khi hoàn tất các nội dung trên, số dự phòng rủi ro phải trích bổ sung của Navibank đã giảm so với số dự phòng rủi ro theo kết luận của Cơ quan giám sát, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tại thời điểm 30/9/2012 là 3.027 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với vốn pháp định.
TrustBank:
Vào trung tuần tháng 9/2012, NHNN đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Trust Bank triển khai phương án tái cơ cấu.
Theo tiến trình này, TrustBank tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách.
Hiện ngân hàng này đang gọi vốn từ cổ đông chiến lược trong nước với tỷ lệ cổ phần chi phối tương đối lớn, nhằm xử lý thanh khoản và cải thiện công tác quản trị rủi ro khi có sự tham gia của nhân tố mới. TrustBank cho biết sẽ bán gần 85% cổ phần cho nhóm cổ đông mới. Nhóm này gồm Tập đoàn Thiên Thanh mua 9,67% và 20 nhà đầu tư mua số cổ phần còn lại.
Trong ngắn hạn, TrustBank đang tiếp tục phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống, tập trung vào vai trò ngân hàng “tam nông” tại khu vực trọng điểm ĐBSCL, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại các trung tâm kinh tế và bước đầu triển khai nhóm sản phẩm, các dịch vụ phục vụ ngành vật liệu xây dựng, nhà ở bình dân.
TienPhongBank:
Đề án tái cơ cấu hoạt động của TienPhong Bank được khởi động từ sau đại hội cổ đông thường niên vào tháng 4/2012. Đến nay, ngân hàng này đã cơ bản hoàn tất việc cải tổ cơ cấu tổ chức.
Một số chỉ số hoạt động 6 tháng cuối năm 2012 được cải thiện, huy động vốn tăng 28% so với đầu năm, nợ xấu ở mức dưới 5%.
Dư nợ của TienPhong Bank trong những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán khoảng 4% tổng dư nợ, tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đạt trên 15%.
Cuối năm 2012 vừa rồi, TienphongBank đã tăng vốn lên 5.550 tỷ đồng sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận ngày 25/12 và Ngân hàng Nhà nước thông qua. Đồng thời, ngân hàng cũng đã bán 20% cổ phần cho một nhóm nhà đầu tư tư nhân (đứng đầu là ông chủ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI Đỗ Minh Phú) để tăng vốn.
Western Bank:
Western Bank tiền thân là một ngân hàng từ nông thôn với vốn điều lệ ban đầu chỉ 320 tỷ đồng, đến 2011 thì lên đến 3.000 tỷ đồng.
Do lớn quá nhanh nên cũng như nhiều ngân hàng khác, việc quản trị và kiểm soát rủi ro trở thành một vấn đề lớn đối với Western Bank. Bên cạnh đó, một tỷ lệ rất lớn tín dụng của nhà băng lại dành cho các doanh nghiệp sân sau, cổ đông nội bộ dẫn đến nhiều rủi ro cho Ngân hàng.
Nằm trong tiến trình tái cơ cấu bắt buộc, Western Bank đã gây chú ý nhiều cho thị trường tài chính gần đây về việc sáp nhập với Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí (PVFC).
Ngày 16/3/2013, tại Cần Thơ, NHTMCP Phương Tây (Western Bank) Đại hội cổ đông năm 2013 đã thông qua kế hoạch hợp nhất với PVFC. Western Bank đã trình NHNN Đề án hợp nhất với PVFC.
Với kế hoạch này, Western Bank vừa có tiền để giải quyết các món nợ, làm trong sạch tình hình tài chính của mình. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu hiện tại của PVN tại PVFC là 78% có thể sẽ giảm xuống còn 48% sau hợp nhất. Điều này sẽ giúp PVN từng bước thực hiện lộ trình thoái vốn tại các công ty con theo quy định.
Ngân hàng sau hợp nhất dự kiến có tổng tài sản 105.641,59 tỷ đồng, với số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng sẽ được duy trì trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và được tiếp tục tăng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015.
GP Bank:
Được thành lập cách đây 7 năm, GP Bank chính thức tăng vốn và đạt mục tiêu 3.000 tỷ đồng năm 2010. Thông tin về GP Bank rất hiếm hoi trên thị trường. Theo báo cáo thường niên năm 2010, tỷ lệ nợ xấu trong năm 2010 của GP Bank chỉ là 1,83%. Theo Ngân hàng Nhà nước, phương án cơ cấu lại GP Bank đang được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Đồng thời với các ngân hàng buộc phải tái cơ cấu, một số ngân hàng khác cũng triển khai sáp nhập (ví dụ, HD Bank sẽ sáp nhập với Đại Á Bank), liên kết, hợp tác toàn diện (lĩnh vực nguồn vốn, tài trợ thương mại, thanh toán trong nước, quốc tế, hoạt động NH bán lẻ,…) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng
Có 2 trường hợp, dù không nằm trong nhóm 9 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu nhưng nợ xấu cao là Agribank 5,8%, và SHB đang dẫn đầu 8,53%. SHB lý giải nợ xấu tăng mạnh chủ yếu do phải lo gánh khoản nợ nần lớn từ Habubank từ khi sáp nhập.
Bích Diệp