1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ phiếu Tân Tạo lao dốc sau "hung tin"

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi thị trường đứt chuỗi tăng 7 phiên liền thì ITA cũng lao dốc mất 4,7% thị giá sau thông tin bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ 16/7.

Chuỗi tăng 7 phiên liên tục của VN-Index đến hôm nay (10/7) đã chính thức bị gián đoạn.

Chỉ số đại diện sàn HoSE điều chỉnh 7,77 điểm tương ứng 0,6% sau khi áp sát ngưỡng 1.300 điểm. Theo đó, VN-Index đóng cửa tại 1.285,94 điểm, mức thấp nhất phiên, chính thức quay đầu về dưới ngưỡng 1.290 điểm.

VN30-Index giảm 10,87 điểm tương ứng 0,82%; HNX-Index giảm 1,12 điểm tương ứng 0,46% và  UPCoM-Index giảm 0,55 điểm tương ứng 0,56%.

Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá với 509 mã giảm trên cả 3 sàn so với 364 mã tăng. Mặc dù vậy, chỉ có 5 mã giảm sàn, cho thấy việc bán ra của nhà đầu tư thiên về việc chủ động chốt lời do trước mắt là ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm.

Cổ phiếu Tân Tạo lao dốc sau hung tin - 1

Thị trường điều chỉnh nhưng thanh khoản lại thu hẹp so với phiên 9/7.

Sàn HoSE chỉ có duy nhất 1 mã giảm sàn là HRC. Cổ phiếu ITA của Tân Tạo là mã có diễn biến tệ nhất trong nhóm bất động sản trên sàn HoSE. Mã này có thời điểm tăng giá nhưng phiên chiều điều chỉnh mạnh, giảm tới 4,7% còn 4.490 đồng.

HoSE vừa ra quyết định về việc đưa ITA vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 16/7 tới. Theo đó, cổ phiếu này sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Lý do là đến thời điểm hiện tại, công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17 năm 2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu Tân Tạo lao dốc sau hung tin - 2

Diễn biến giá ITA trong 5 phiên gần đây (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ITA, một số mã bất động sản khác cũng giảm giá nhưng mức điều chỉnh không lớn, như BCM giảm 2,1%; SZC giảm 1,3%; HAR giảm 1,2%; NVL giảm 1,1%; NLG giảm 1%; PDR giảm 0,9%; SJS giảm 0,6%.

Chiều ngược lại, vẫn có nhiều mã tăng tốt như HU6, CKG và NTL tăng trần; AGG tăng 4,9%; ITC tăng 4,6%; HDG tăng 4,6%; TIG tăng 2,6%; NHA tăng 2,4%; HDC tăng 1,4%. Một số mã khác như KDH, DXS, TCH, QCG, SCR, CRE cũng đạt trạng thái tăng giá.

Nhóm chứng khoán hầu như giảm giá song không giảm sâu. VDS giảm 1,9%; BSI giảm 1,7%; VCI giảm 1,7%; FTS giảm 1,6%; VND giảm 1,5%... Tương tự nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng điều chỉnh như LPB giảm 2,4%; STB giảm 1,7%; BID giảm 1,3%; HDB giảm 1,2%; VPB giảm 1%; MSB giảm 1%.

Thanh khoản thị trường đạt 751 triệu cổ phiếu tương ứng 21.825,8 tỷ đồng trên sàn HoSE và 57,47 triệu cổ phiếu tương ứng 1.311,15 tỷ đồng trên HNX; 59,34 triệu cổ phiếu tương ứng 1.073,38 tỷ đồng trên UPCoM.

Trong đó, cổ phiếu ngành thép được giao dịch sôi động song diễn biến trái chiều. HPG khớp lệnh gần 31 triệu cổ phiếu, giảm nhẹ 0,2%; HSG khớp lệnh 27,8 triệu cổ phiếu, tăng 0,4%.

Phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, giá trị bán ròng lên tới 1.051 tỷ đồng trên quy mô toàn thị trường. Trong đó, khối nhà đầu tư này bán ròng 1.037 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung tại FPT (342 tỷ đồng); VCB (160 tỷ đồng); MWG (159 tỷ đồng) và TCB (101 tỷ đồng).

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm