Cổ phiếu Tân Tạo giảm sàn bất chấp tuyên bố của bà Đặng Thị Hoàng Yến
(Dân trí) - ITA bị bán mạnh và giảm sàn sau "hung tin" sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Mới vài ngày trước, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói đang cố gắng hết sức để đưa cổ phiếu tăng trần trở lại.
Đến phiên hôm nay (6/7), VN-Index đã vượt ngưỡng 1.280 điểm. Dù vậy, thị trường rung lắc và giao dịch tương đối căng thẳng.
Đóng cửa, chỉ số đại diện sàn HoSE lấy lại được trạng thái tăng, cộng thêm 3,15 điểm so với hôm qua, tương ứng tăng 0,25% lên 1.283,04 điểm. VN30-Index tăng 5,55 điểm tương ứng 0,42%. HNX-Index nhích nhẹ 0,43 điểm tương ứng 0,18% và UPCoM-Index giữ mức tham chiếu.
Như vậy các chỉ số trên thị trường đều "bật xanh", tuy nhiên, độ rộng thị trường lại nghiêng về phía các mã giảm. Với 478 mã giảm giá so với 414 mã tăng giá, chứng khoán phiên này rơi vào tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng".
Thanh khoản thị trường chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể khi mà khối lượng giao dịch trên HoSE mới chỉ dừng ở mức 616,5 triệu cổ phiếu tương ứng 15.998,18 tỷ đồng. HNX có 58,03 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.161,18 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 60,08 triệu cổ phiếu tương ứng 828,92 tỷ đồng.
Ở phiên hôm nay, cổ phiếu ITA của Tập đoàn Tân Tạo bị bán mạnh và giảm sàn về mức 4.880 đồng sau thông báo của HoSE về việc đưa cổ phiếu này vào diện hạn chế giao dịch.
Thông báo của HoSE nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, ITA chưa thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 23/4/2024, HoSE đã có công văn nhắc nhở công ty về việc chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và báo cáo thường niên năm 2023. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn phản hồi cho công ty về việc tạm hoãn công bố thông tin.
Ngày 24/6, Tân Tạo có công văn phản hồi thông tin đến UBCKNN và HoSE, tuy nhiên công ty không cung cấp các tài liệu, bằng chứng làm cơ sở cho việc tạm hoãn báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023 vì lý do bất khả kháng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra mới đây, vấn đề này được một cổ đông đặt ra với lãnh đạo Tân Tạo. Ông Nguyễn Thanh Phong - Tổng giám đốc công ty - nói công ty gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị kiểm toán. Vì vụ việc bất khả kháng nên Tân Tạo đã có văn bản xin HoSE và UBCKNN cho tạm hoãn công bố thông tin 2 tài liệu này theo quy định.
Cũng ở phiên họp trên, bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch tập đoàn - nói với cổ đông rằng, kể từ tháng 5/2022, Tân Tạo đã "bị nhiều thế lực xấu đứng sau phá hoại nhằm thâu tóm". Công ty đã phải cố gắng đấu tranh để đi tìm công lý, đòi lại công bằng và đền bù thiệt hại cho các cổ đông, nhà đầu tư trong, ngoài nước bằng cách khởi kiện ra tòa án quốc tế. Việc xử lý vụ kiện đang trong quá trình được giải quyết. Bà Yến nói Tân Tạo đang cố gắng hết sức để đưa cổ phiếu ITA tăng trần trở lại.
Trở lại với diễn biến ITA, thanh khoản cổ phiếu này tăng mạnh ở phiên hôm nay, khối lượng giao dịch lên tới 18,4 triệu đơn vị (phiên trước chỉ giao dịch gần 826.000 đơn vị). Tại mức thị giá hiện tại, ITA đã "bốc hơi" tới 24,5% so với đầu năm.
Bên cạnh ITA, một số mã bất động sản khác cũng bị điều chỉnh như DXG giảm 3,9%; CCL giảm 2,3%; VRE giảm 2,1%; HPX giảm 2,1%; QCG giảm 2%; HAR giảm 1,8%; NVL giảm 1,5%...
Nhiều mã cổ phiếu chứng khoán giảm, song hoạt động bán ra không quá mạnh. DSE giảm 3,9%; APG giảm 3,1%; CSI giảm 2,7%; TVS giảm 2,3%; APS giảm 1,4%; ORS giảm 1,1%; BSI giảm 1,1%; HBS giảm 1%; VIX, HCM, FTS, CTS, HSH, TVB, VCI, BVS đều giảm giá.
Cổ phiếu thủy sản phiên này tăng khá tốt. ATA và CAD tăng trần trên UPCoM, AGF tăng 7,4% và SSN tăng 6,3%; tuy nhiên các mã này có thanh khoản thấp. CMX tăng 5,3%; ICF tăng 3,5%; VHC, ANV và FMC cũng đạt được trạng thái tăng nhẹ.
Phiên này, HVN, FPT, LPB, CTG và VNM là những cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Theo đó, riêng HVN đóng góp 1,19 điểm cho VN-Index; FPT đóng góp 0,92 điểm.