Cổ phiếu nhà sản xuất "Anh trai" thoát hiểm; mã nóng bất động sản quay đầu

Mai Chi

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán giao dịch thận trọng cuối năm. Trong khi YEG thoát sàn với khối lượng khớp lệnh lớn thì TDH lại quay đầu mất giá sau chuỗi tăng "nóng".

Trong sáng đầu tuần 30/12, các chỉ số hầu như chỉ vận động dưới vùng tham chiếu. VN-Index tạm ghi nhận điều chỉnh 2,34 điểm tương ứng 0,18% còn 1.272,8 điểm; VN30-Index giảm 5,46 điểm tương ứng 0,41%; HNX-Index giảm 0,99 điểm tương ứng 0,43% và UPCoM-Index cũng sụt nhẹ 0,18 điểm tương ứng 0,19%.

Thanh khoản thị trường xuống thấp với khối lượng giao dịch trên HoSE chỉ đạt 213,55 triệu cổ phiếu tương ứng 4.727,98 tỷ đồng; trên HNX là 15,77 triệu cổ phiếu tương ứng 252,93 tỷ đồng và trên UPCoM là 10,11 triệu cổ phiếu tương ứng 126,1 tỷ đồng.

Toàn thị trường vẫn còn 780 mã cổ phiếu không phát sinh giao dịch. Trong khi đó, độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm với 462 mã giảm giá, 258 mã tăng. Riêng sàn HoSE, số lượng mã giảm hơn gấp đôi số mã tăng với 263 mã điều chỉnh giá so với 118 mã tăng.

Cổ phiếu nhà sản xuất Anh trai thoát hiểm; mã nóng bất động sản quay đầu - 1

Thanh khoản thị trường xuống thấp phiên cuối năm (Ảnh minh họa: Hải Long).

Cổ phiếu ngành ngân hàng giảm cả về giá lẫn thanh khoản. Phần lớn cổ phiếu trong ngành bị điều chỉnh: HDB giảm 1,6%; STB giảm 1,2%; VIB giảm 1%; CTG, TCB, ACB, VPB giảm giá. LPB có diễn biến tích cực nhất, tăng 2,1%; NAB và VCB tăng nhẹ.

Đồng pha với thị trường, cổ phiếu bất động sản hầu hết đều giảm, song mức điều chỉnh không lớn. TDH là mã giảm mạnh nhất trên HoSE, đánh mất 4,9% còn 3.120 đồng. Mã này vừa có chuỗi tăng trần liên tục 6 phiên liền từ ngày 19/12 đến 26/12 trước khi hạ nhiệt nhẹ ở phiên 27/12 (tăng 6,15%, giao dịch khối lượng đột biến 4,1 triệu đơn vị).

Các mã khác điều chỉnh nhưng mức giảm không lớn: CRE giảm 2,3%; AGG giảm 1,6%; HQC giảm 1,5%; KBC giảm 1,1%;DXS giảm 1%. Chiều ngược lại, một số mã có diễn biến tích cực: HTN tăng trần lên 10.600 đồng; SJS tăng 3,6%; TDC tăng 2,2%; NVL tăng 2%; PDR tăng 1,9%; QCG tăng 1,8%.

Phần lớn nhóm ngành diễn ra phân hóa. Tại ngành xây dựng và vật liệu, cổ phiếu SC5 tăng trần, C32 tăng 2,9%; HVH tăng 2,2%; VCG tăng 1,9% nhưng ngược lại, VNE lại giảm 6,7%; DC4 giảm 2,2%; CIG giảm 2,2%; FCM giảm 1,4%; PTC giảm 1,3%: DHA giảm 1,2%.

Ngành bán lẻ sáng nay ghi nhận trạng thái tăng giá tại BTT, CMV, PET, DGW nhưng FRT giảm 0,4% và MWG giảm thêm 1%.

Cổ phiếu ngành du lịch và giải trí đồng loạt giảm. SCS giảm 3,2%; DAH giảm 2%; SKG giảm 1,3%; VJC giảm 0,8%; VNS, DSN cũng suy giảm.

TMT tiếp tục có phiên tăng trần lên 9.200 đồng, khớp lệnh thấp với 115.200 đơn vị so với 244.400 mã giảm. Trước đó, mã này đã có 3 phiên tăng trần liên tục và ghi nhận tổng mức tăng gần 30% chỉ sau một tuần qua.

Trong khi đó, nhiều mã cùng ngành ô tô, phụ tùng bị điều chỉnh: DRC giảm 2,1%; CSM giảm 1,9%; HAX giảm 1,7%; SVC giảm 1,6%; STF và HHS cùng giảm nhẹ.

YEG của Yeah1 sáng nay thoát sàn, mức thiệt hại còn 3%. Sau khi khớp lệnh 5,59 triệu cổ phiếu tại mức giá sàn, mã này có thời điểm hồi phục về mức tham chiếu; khối lượng khớp lệnh cao gần 10,7 triệu đơn vị.

Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, trong tuần vừa rồi, đà tăng giá chỉ diễn ra "cục bộ" ở một số nhóm ngành và mức độ lan tỏa chưa cao khi dòng tiền trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc một cách mạnh mẽ.

Bước sang tuần giao dịch chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, ông Hinh cho rằng thị trường chứng khoán trong nước có thể duy trì xu hướng vận động đi lên và chỉ số VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.280-1.300 điểm.

Hiện tại, xác suất thị trường sớm vượt qua được vùng kháng cự mạnh này không cao, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn "chực chờ" và thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tận dụng những phiên tăng điểm để giảm đòn bẩy và hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn, hạn chế giải ngân mới để giảm thiểu rủi ro.