DNews

Nhiều công ty chuẩn bị "quà Tết" đậm, có ông lớn chi hơn 2.500 tỷ đồng

Mai Chi

(Dân trí) - Ngay trước và sau Tết Nguyên đán, hàng loạt doanh nghiệp sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Có đơn vị chia cổ tức tỷ lệ lên tới 40%, lại có những doanh nghiệp chuẩn bị hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều công ty chuẩn bị "quà Tết" đậm, có ông lớn chi hơn 2.500 tỷ đồng

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2024. Trong những ngày giao dịch cuối cùng của năm nay, hàng chục doanh nghiệp trên sàn dồn dập thông báo kế hoạch chi trả cổ tức.

Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền và chốt danh sách cổ đông của các doanh nghiệp rơi vào thời gian này còn thời điểm chi trả có thể trước hoặc sau Tết Nguyên đán (cuối tháng 1 hoặc sang tháng 2/2025).

Thông tin chi trả cổ tức của các doanh nghiệp có ý nghĩa đáng kể với giới đầu tư giữa bối cảnh thị trường còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định và khó đoán, việc kiếm lời thông qua hoạt động mua vào - bán ra ngắn hạn (trading) không dễ dàng.

Có doanh nghiệp chia cổ tức 40%

Trong danh sách những doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt thời gian tới có những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả rất hấp dẫn như Dược Hậu Giang (mã: DHG), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã: SCS); Dệt may Hòa Thọ (mã: HTG); Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN); Pin Hà Nội (mã: PHN); Thống Nhất (mã: BAX).

Các doanh nghiệp nói trên có mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ mức 20% (một cổ phiếu được trả 2.000 đồng) đến 40% (một cổ phiếu được trả 4.000 đồng).

Dược Hậu Giang là đơn vị có truyền thống chia cổ tức tiền mặt ở mức cao và duy trì đều đặn với tỷ lệ 35-40%, thậm chí, năm 2023, công ty còn chia cổ tức bằng tiền lên tới 75%. Theo lịch mà doanh nghiệp thông báo với cổ đông, thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 14/2/2025.

Với gần 131 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Dược Hậu Giang sẽ phải chi khoảng 523 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang là Taisho Pharmaceutical đến từ Nhật Bản với tỷ lệ sở hữu hơn 51% vốn. Cổ đông Nhật dự kiến nhận về số tiền khoảng 267 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đại diện cho cổ đông Nhà nước sở hữu hơn 43% cổ phần, theo đó sẽ nhận được hơn 226 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III vừa qua, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, từ 1.099 tỷ đồng, xuống gần 1.062 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 156 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức cùng kỳ là hơn 166 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.426 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 637 tỷ đồng, giảm 27%. Với kế hoạch đặt ra cho năm 2024 doanh thu thuần đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.080 tỷ đồng, "ông lớn" ngành dược thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 59% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong đợt này, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn cũng chia tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 30%, ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/12 còn ngày thanh toán dự kiến là 8/1/2025. Ước tính, với 94,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần dự chi 285 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Gemadept đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 36% vốn điều lệ của Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, cổ đông này dự kiến sẽ nhận về hơn 102 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sở hữu gần 15% cổ phần nên sẽ nhận gần 42 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41 nắm 7,07% cổ phần, nhận khoảng 21,6 tỷ đồng.

Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn cũng là doanh nghiệp thường duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt ở mức cao, khoảng 50-60% hàng năm. Năm 2019 và năm 2020, mức chia cổ tức của công ty thậm chí đạt 80%.

Trong quý III, Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn ghi nhận doanh thu 266 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 743 tỷ đồng doanh thu và 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 47% và 41% so với cùng kỳ.

Cùng mức chi trả cổ tức 30%, Dệt may Hòa Thọ (mã: HTG) dự kiến chi hơn 108 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức sắp tới. Thời gian thanh toán dự kiến vào 23/1/2025. Trước đó, hôm 26/7, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt đầu với tỷ lệ 10%.

Dệt May Hòa Thọ thường chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ cao, thường xuyên đạt mức 20% và cao nhất vào năm 2022 lên tới 60% bao gồm 40% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.

Trong quý III, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.498 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và lợi nhuận đạt 93 tỷ đồng, tăng 25%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty đạt 3.772 tỷ đồng và có lãi 235,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,5% và 51% so với cùng kỳ, đồng thời hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và vượt 6% mục tiêu lợi nhuận của năm 2024.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN) vào ngày 22/1 tới đây cũng sẽ chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện là 24% (một cổ phiếu nhận 2.400 đồng).  

Cổ đông lớn nhất của Công viên nước Đầm Sen là Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ với tỷ lệ sở hữu 33,54% vốn điều lệ, dự kiến nhận về khoảng 9,7 tỷ đồng.

Nhiều công ty chuẩn bị quà Tết đậm, có ông lớn chi hơn 2.500 tỷ đồng - 1

Để chi trả cổ tức cho cổ đông sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Vào ngày 15/1 tới, Công ty cổ phần Pin Hà Nội (mã: PHN, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Pin Con thỏ) sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, số tiền dự chi hơn 14,5 tỷ đồng. Trước đó, vào đầu tháng 6, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 30%, theo đó, hoàn thành mục tiêu cổ tức 50%.

Công ty cổ phần Thống Nhất (mã: BAX) cũng sẽ chia cổ tức ngay trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, vào 22/1. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt của công ty đạt 20% song phần lớn sẽ về túi cổ đông lớn do cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc.

Cụ thể, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 36,07% vốn, thu về khoảng 5,9 tỷ đồng. Tổng Công ty Tín Nghĩa (mã: TID) với tỷ lệ nắm giữ 29,52% vốn, nhận về 4,8 tỷ đồng và America LLC với tỷ lệ nắm giữ 16,01% vốn, nhận được 2,6 tỷ đồng. Ông Quách Trọng Nguyên với sở hữu 6,47% vốn công ty, dự kiến thu về hơn 1 tỷ đồng cổ tức.

Doanh nghiệp lớn chuẩn bị hàng nghìn tỷ đồng trả cổ tức

Ngoài ra, "ông lớn" ngành bia là Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã: SAB) tới đây cũng sẽ chia cổ tức với tỷ lệ cao 20% bằng tiền mặt vào ngày 23/1. Với 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến tổng công ty này sẽ phải chuẩn bị sẵn 2.565 tỷ đồng tiền mặt để chia cổ tức cho cổ đông.

Tại Sabeco, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vietnam Beverage, thành viên Thai Beverage (Thái Lan), sở hữu 53,59% vốn điều lệ dự kiến nhận về gần 1.400 tỷ đồng cổ tức; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ nắm giữ 36% vốn, sẽ nhận hơn 920 tỷ đồng.

Theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, Sabeco dự kiến chia cổ tức 2024 với tỷ lệ 35% bằng tiền. Như vậy, doanh nghiệp sẽ còn phải chi trả thêm 15% cổ tức tiền mặt nữa để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã: VNM) vào ngày 28/2/2025 cũng sẽ chia cổ tức đợt 2 năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Mặc dù tỷ lệ chia cổ tức lần này của Vinamilk khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp kể trên, song với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, "đại gia" ngành sữa sẽ phải dự chi tới 1.045 tỷ đồng.

Trước đó, Vinamilk cũng đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 15% bằng tiền, do vậy, tổng mức cổ tức năm 2024 mà cổ đông Vinamilk được nhận cũng rất lớn.