1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu bị bán mạnh, nhà đầu tư "ngộp thở" gồng lỗ

Mai Chi

(Dân trí) - Có gần 650 mã cổ phiếu giảm giá phiên hôm nay, trong đó 38 mã giảm sàn, nhiều nhà đầu tư chịu áp lực thua lỗ lớn. Chẳng hạn, HVN tính trong vòng 1 tuần qua đã bị thổi bay 27,5% thị giá.

Với một lượng cầu giá thấp đổ vào thị trường trong phiên chiều, VN-Index lấy lại được mốc 1.250 điểm, ghi nhận thiệt hại còn 10,14 điểm tương ứng 0,8% còn 1.254,64 điểm. Phân nửa cổ phiếu trong rổ VN30 giảm giá, chỉ số này đánh rơi 0,23%. HNX-Index giảm 2,14 điểm tương ứng 0,89% và UPCoM-Index giảm 1,12 điểm tương ứng 1,16%.

Toàn thị trường có 648 mã giảm giá, gấp gần 3 lần số mã tăng, trong đó 38 mã giảm sàn với 22 mã giảm sàn trên HoSE.

Cổ phiếu bị bán mạnh, nhà đầu tư ngộp thở gồng lỗ - 1

Nhờ sự hồi phục của các mã lớn thuộc ngành ngân hàng và thực phẩm, đồ uống nên VN-Index lấy lại được ngưỡng 1.250 điểm (Nguồn: VNDS).

Thanh khoản HoSE đạt 923,62 triệu cổ phiếu tương ứng 21.115,16 tỷ đồng; HNX có 80,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.620,23 tỷ đồng và sàn UPCoM có 59,27 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 925,4 tỷ đồng.

VN-Index thu hẹp được thiệt hại nhờ sự hồi phục của cổ phiếu ngành ngân hàng và ngành thực phẩm - đồ uống.

Theo đó, mức điều chỉnh tại ACB, LPB, EIB, STB, SHB, MBB thu hẹp; BID, NAB và VPB về lại mốc tham chiếu. Đáng chú ý là có nhiều mã đã lấy lại được trạng thái tăng: HDB tăng 1,4%; khớp 10 triệu đơn vị; TPB tăng 1,1%, khớp 32,7 triệu đơn vị; TCB tăng 1,1%, khớp 14,5 triệu đơn vị, các mã khác như OCB, CTG, SSB, MSB, VCB cũng tăng giá và có thanh khoản tích cực.

Nhờ có MSB tăng 1,7%; SAB tăng 0,9%; VNM tăng nhẹ nên nhóm cổ phiếu thực phẩm - đồ uống cũng có chuyển biến tích cực. Dù vậy, vẫn có nhiều mã trong ngành này bị chiết khấu giá ở mức sâu như CMX giảm sàn, AGM giảm 5,1%; DBC giảm 4,8%; LSS giảm 4,5%; HNG giảm 3,4%; ANV giảm 3,2%.

Phiên hôm nay, cổ phiếu nhỏ bị bán mạnh. VNSML-Index đại diện nhóm cổ phiếu penny giảm 36,19 điểm tương ứng 2,4% còn VNMID-Index đại diện cho cổ phiếu vốn hóa trung bình giảm 29,91 điểm tương ứng 1,54%.

Lực bán tại nhóm ngành bất động sản vẫn mạnh mẽ: TIP, HDG và QCG giảm kịch sàn. Riêng HDG giảm sàn, trắng bên mua và khớp lệnh 10,7 triệu đơn vị; QCG trắng bên mua, khớp lệnh chưa tới 60.000 cổ phiếu nhưng dư bán sàn hơn 6 triệu đơn vị.

Một số mã khác như HTN, NVL, TDH thoát sàn song mức đóng cửa cuối phiên vẫn ghi nhận giảm sâu: HTN giảm 6,4%; NVL giảm 6,3%; TDH giảm 6,2%. Một loạt các mã khác chịu áp lực khá lớn như CRE giảm 4,3%; LHG giảm 4,3%; HQC giảm 3,7%; TCH giảm 3,7%; CCL giảm 3,4%.

Tương tự với nhóm xây dựng và vật liệu, cổ phiếu EVG và KPF giảm sàn, DPG và HBC thoát sàn nhưng đóng cửa vẫn thiệt hại khá lớn: DPG giảm 6,1%; HBC giảm 5,7%. Tại ngành tài nguyên cơ bản, cổ phiếu SMC và DLG trắng bên mua; SAV giảm 4,1%; TLH giảm 4%; HSG giảm 3,8%.

Loạt cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục bị bán tháo gồm có TVS, CTS, VDS, APG. Các mã này kết phiên tại mức giảm sàn và trắng bên mua. VIX giảm 6,6%, khớp lệnh 27,7 triệu cổ phiếu; BSI giảm 5%; AGR giảm 4,9%.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thêm một phiên giảm sàn về mức 24.350 đồng, khớp lệnh chỉ 1,2 triệu cổ phiếu nhưng còn dư bán sàn gần 4 triệu đơn vị.

Chỉ trong một tuần qua, HVN đã "bốc hơi" 27,5% thị giá, song thanh khoản giảm mạnh ở phiên hôm nay cho thấy, nhiều nhà đầu tư mua vào giá thấp, giá sàn HVN ở các phiên gần đây đang bị mắc kẹt lại.

Phiên 16/7, mã này giảm sàn nhưng khớp lệnh hơn 11 triệu cổ phiếu. Phiên 17/7, thanh khoản giảm còn 8,7 triệu đơn vị, đến phiên 18/7 thì mức khớp lệnh là 9,1 triệu đơn vị.

Không chỉ riêng HVN mà với nhiều cổ phiếu khác, với tình trạng suy giảm liên tục, những nhà giao dịch ngắn hạn đang phải chịu thử thách lớn do phải gồng lỗ.

Yếu tố tích cực của phiên giao dịch này là động thái trở lại mua ròng của khối ngoại. Nhóm nhà đầu tư này thực hiện mua ròng 456 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua ròng 436 tỷ đồng trên HoSE. Mã được mua ròng mạnh nhất là SBT với 376 tỷ đồng, FPT, POW, VND và SSI cũng được mua ròng.