1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cổ phần hoá Tập đoàn Công nghiệp Cao su vì sao trễ hẹn?

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su là tập đoàn rất lớn về vốn, đất đai và cán bộ công nhân viên, do đó Phó Thủ tướng chỉ đạo phải làm chặt chẽ cũng như kiểm toán tài chính trước khi phê duyệt kế hoạch.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su sở hữu quỹ đất lên tới hàng trăm nghìn ha và hơn 130.000 cán bộ công nhân viên.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su sở hữu quỹ đất lên tới hàng trăm nghìn ha và hơn 130.000 cán bộ công nhân viên.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su được Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chính và tiến độ phải hoàn thành trong năm 2017.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su là tập đoàn rất lớn về vốn, đất đai và cán bộ công nhân viên do đó Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Chính phủ đã tổ chức một số cuộc họp với các bộ, ngành để nghe Tập đoàn Công nghiệp Cao su báo cáo về việc này.

"Tập đoàn quản lý một diện tích đất đai rất lớn lên đến hàng trăm nghìn ha. Chúng ta đang xem xét, cân nhắc bảo đảm việc cổ phần hóa nhưng tránh những hệ lụy phức tạp khác từ đất đai. Đây cũng là tập đoàn có số lượng lao động rất lớn, hơn 130.000 lao động. Việc giải quyết chính xác, nhất là những lao động nhận khoán được hưởng đầy đủ các quyền do pháp luật quy định, là vấn đề phải làm rất kỹ", ông nói.

Thứ trưởng cho biết, đối với cổ phần hóa Tập đoàn Cao su, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo ngoài việc làm chặt chẽ thì phải thực hiện kiểm toán tài chính.

"Do vậy, đúng là hiện nay lộ trình bị kéo dài một vài tháng. Gần đây, sau khi xem xét và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ NN&PTNT trong tháng 9 đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để đưa ra cổ phần hóa và cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần", đại diện Bộ NN&PTNT cho biết.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm rằng, theo tinh thần chung, ý kiến của các bộ, ngành được tập hợp để báo cáo Thủ tướng thì tập đoàn này sẽ tiến hành các bước còn lại để cổ phần hóa sớm nhất. Trong đó, việc cổ phần có được hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không. Do vậy, bán lần thứ nhất không hết thì pháp luật quy định phải bán hai lần tiếp theo.

"Mong muốn của Bộ, của các cơ quan Chính phủ là muốn bán một lần, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng sẽ thực hiện được từ nay đến quý I/2018", ông Tuấn nói.

Liên quan tới tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương cho hay, thực tế tiến độ cổ phần hóa hiện nay còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ đề ra. Doanh nghiệp nhà nước thì còn chưa thực chất, chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn giảm nhưng tỉ lệ sở hữu vốn của nhà nước trong số những doanh nghiệp cổ phần hóa còn cao.

Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành đang quản lý nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước đang chiếm 100% hoặc đa số cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa này.

"Tuy nhiên, để thực hiện được việc cổ phần hóa này cần phải lưu ý đến những việc cần phải làm, đặc biệt là vấn đề định giá, đánh giá tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Vì nếu chúng ta không có những căn cứ vững chắc, pháp lý rõ ràng để đánh giá, định giá sẽ gây ra vấn đề là đánh giá thấp giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Điều này sẽ gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước", ông Phương nhấn mạnh.

Phương Dung