Cổ phần hóa doanh nghiệp: “Sai thì xử, kể cả bỏ tù”

(Dân trí) - “Một rừng cây có một cây thối mà bảo cả rừng thối thì rất là gay. Tôi đã nói anh nào sai thì xử, kể cả bỏ tù, nhưng cứ dừng lại rồi kêu mất đất chỗ nọ, mất đất chỗ kia. Thoái vốn cũng thế.” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho hay.

Sáng nay (11/7), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Nhiều ý kiến thẳng thắn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH) đã được nêu ra.

CPH để tránh... dự án nọ, dự án kia!

Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, trong năm 2017, theo dự kiến, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong tổng số 137 DNNN theo lộ trình đến 2020.

Riêng 6 tháng đầu năm, cả nước mới chỉ hoàn thành cổ phần hóa 6 DNNN và đã công bố giá trị DN, đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN. Dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 DN trong tổng số 45 DN của kế hoạch năm.

Về việc thoái vốn Nhà nước tại 12 DN quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 11 DN đã niêm yết.

Cuộc họp sơ kết 6 tháng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sáng 11/7
Cuộc họp sơ kết 6 tháng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sáng 11/7

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: Việc CPH đến nay Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết thực hiện. Tư tưởng của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp hiện nay đang “chờ” thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu, cũng có tình trạng chậm do văn bản nhưng không phải nguyên nhân chính.

“Một rừng cây có một cây thối mà bảo cả rừng thối thì rất là gay. Tôi đã nói anh nào sai thì xử, kể cả bỏ tù nhưng cứ dừng lại rồi kêu mất đất chỗ nọ, mất đất chỗ kia. Thoái vốn cũng thế” - Thứ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, không phải chờ gì cả mà cần nhanh chóng CPH, thoái hóa vốn, trừ những DN 100% vốn nhà nước như các DN của quân đội. “Chỉ có CPH mới nâng cao được năng lực, tránh dự án nọ, dự án kia” - ông Hiếu cho hay.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường cho biết, các DN thuộc Bộ trước đây có 116 DN, nay còn 88 DN.

“Tại sao DN quân đội đông? Vì trước đây chủ yếu các DN là nhà máy, xí nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sửa chửa vũ khí, trang bị, đóng tàu cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Sau này rộ lên các công ty, tổng công ty phình từ 90-91 được nâng từ xí nghiệp, nhà máy lên, giải quyết vấn đề đi giao dịch và xin một số dự án” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng khẳng định, với Đề án sắp xếp đổi mới DN, Bộ hoàn toàn ủng hộ. Dù khó khăn nhưng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kiến quyết làm. Bộ Quốc phòng đang thực hiện 2 Đề án với mục tiêu CPH 51 DN, thoái vốn 21 DN và giải thể 7 DN.

“Truy” trách nhiệm lãnh đạo

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, địa phương: “Làm theo đúng pháp luật, bảo đảm công khai minh bạch. Nếu luật pháp bất cập thì phải sửa, nhưng đang còn hiệu lực thì không thể làm sai được, không làm theo ‘thông lệ’, bảo đảm lợi ích quốc gia”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nêu lên con số 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định và cho rằng hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty, DN, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Sơ kết sáng 11/7
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Sơ kết sáng 11/7

Quá trình cổ phần hóa còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản đất đai, trách nhiệm của người quản lý tài sản nhà nước chưa rõ ràng. Nguyên nhân của hạn chế chính là chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành địa phương tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác CPH, thoái vốn.

“Đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Thẩm quyền của Bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn, nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật.

Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời. Kinh nghiệm là Bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu, dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN cổ phần hóa và thoái vốn DN.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai việc xử lý các DN sau cổ phần hóa không đăng ký trên thị chứng khoán; Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 nhà máy, dự án thua lỗ của ngành công thương; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa thuộc phạm vi quản lý.

TPHCM là địa phương chậm nhất cả nước khi chưa có DN nào được CPH trong 6 tháng đầu năm. Trong danh sách, TPHCM có 39 DNNN phải CPH tới năm 2020. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cho rằng, cần thận trọng trong CPH, thoái vốn nhà nước bởi nếu “tung” ra ồ ạt thì thị trường cũng không thể “tiêu hóa” nổi một lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Châu Như Quỳnh - Bích Diệp