Cổ phần hoá ông lớn Nhà nước: "Ta" chỉ nhắm đất vàng, "Tây" thường soi hiệu quả

(Dân trí) - Chính phủ và người dân trông chờ doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, nếu với hiệu quả nước ngoài mới vào. Tuy nhiên, phải dám nhìn thẳng vào sự thật là nước ngoài họ không nhìn vào mảnh đất để bỏ vốn mà nhìn vào hiệu quả quản trị.

Đây là khẳng định của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài Chính chia sẻ tại Toạ đàm “Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN): Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (18/9).

Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đang bị chi phối bởi nhiều doanh nghiệp có diện tích đất đai được cấp hoặc cho thuê khá lớn, đơn cử như trường hợp cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam
Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đang bị chi phối bởi nhiều doanh nghiệp có diện tích đất đai được cấp hoặc cho thuê khá lớn, đơn cử như trường hợp cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam

Theo ông Tiến, tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn DNNN chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chủ quan. Tìm được nhà đầu tư tốt để tham gia cổ phần hoá các DNNN cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để hút vốn ngoại lại không phải chuyện đơn giản.

"Chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ những vấn đề của DNNN trước, trong và sau cổ phần hoá. Nếu làm được như vậy, doanh nghiệp nước ngoài mới đánh giá hiệu quả. Đất đai chỉ có giá trị dịch vụ, không tạo giá trị gia tăng".

Theo đại diện Bộ Tài chính, các DNNN được nằm trên những khu đất đắc địa và dựa vào đó để hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài không chỉ nhìn vào mảnh đất mà còn nhìn vào hiệu quả quản trị của anh như nào để bỏ vốn đầu tư, mua bán.

Số tiền bán DNNN không hẳn nhiều đã tốt, bán cho doanh nghiệp lớn đã hay.

Theo ông Tiến: "Quan trọng không phải số thu mà phải là tính đúng, tính đủ, xác định rõ ngành nghề để duy trì doanh nghiệp hậu cổ phần hoá, thoái vốn. Mục tiêu cổ phần hoá là đúng ngành nghề, lĩnh vực. Chúng ta đã chứng kiến doanh nghiệp làm đường thuỷ đi mua hãng phim là bài học nhãn tiền rồi".

Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Tiến độ cổ phần hoá chậm lại, nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết tâm từ bỏ quyền hạn tại doanh nghiệp.

"Bộ ngành nêu rõ quyết tâm, quyết liệt thoái vốn, từ bỏ quyền lực nhưng đến nay đã thấy ai bị phê bình, kiểm điểm do Tập đoàn, Tổng Công ty chưa được thoái vốn theo đúng chủ trương chính sách chưa?

Giai đoạn hiện nay cổ phần hoá doanh nghiệp có quy mô lớn, nắm tài sản Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng cùng nhiều vấn đề phức tạp liên quan đất đai, nợ, quyết toán một loạt vấn đề làm cho cổ phần hoá đang gặp khó khăn sẽ ngày càng khó khăn, đòi hỏi quyết tâm mạnh hơn".

Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT: Thời gian tới, những doanh nghiệp hấp dẫn lớn như Sabeco, Vinamilk sẽ không còn nhiều. Vậy chỉ có thay đổi quản lý, quản trị mới thu hút được doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào đem tiền mua DNNN.

"Chúng ta muốn chờ, có nuối tiếc vì cổ phần hoá nhưng thời hạn năm 2020 đã gần kề, thời gian không chờ ai cả, cứ kéo dài mãi thì giá trị doanh nghiệp mất đi. Thương hiệu Sabeco, Vinamilk vẫn có, nếu có thay đổi thì cũng không mất đi", ông Hồ nói.

An Linh

Cổ phần hoá ông lớn Nhà nước: "Ta" chỉ nhắm đất vàng, "Tây" thường soi hiệu quả - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm