DNNN đầu tư ra nước ngoài thua lỗ: "Không phải tiền chùa, vác đi làm thế nào cũng được"

(Dân trí) - Bình luận về hàng loạt những dự án đầu tư ra nước ngoài thua lỗ của DNNN, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng: "Đã đến lúc Chính phủ phải rất nghiêm về việc kinh doanh mà thua lỗ như thế này".

Cả ngàn tỷ được TKV đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 không phát huy hiệu quả
Cả ngàn tỷ được TKV đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 không phát huy hiệu quả

Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Ủy ban Kinh tế công bố mới đây hé lộ một số thông tin về khoản đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Báo cáo cho biết, đến 31/12/2016 có 18 Tập đoàn, Tổng Công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại, có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án, một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả...

Bình luận về những con số này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài thua lỗ chứng tỏ doanh nghiệp của chúng ta chưa chuyên nghiệp, quen kinh doanh trong nước theo cách "công nghệ phong bì", "quan hệ thân hữu".

"Chúng ta quen làm như thế sẽ có lãi nhưng khi đi đầu tư ra nước ngoài thì phải nghiên cứu thị trường, phải có công nghệ, phải có đội ngũ nguồn nhân lực được chuẩn bị kĩ, am hiểu cách kinh doanh, thị trường bên đó. Xem ra tất cả những điều đó chưa làm tốt lắm", ông Doanh nhận định.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, ngay cả đầu tư sang Lào, Campuchia, là những nước có quan hệ gần gũi với mình, gần cả về mặt địa lý nên đi lại, trợ giúp dễ dàng nhưng rất nhiều dự án cũng không thành công, thua lỗ.

"Điều đấy cho thấy chúng ta phải xem xét, chuẩn bị tốt hơn rất nhiều trước khi đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài không giống như trong nước, không phải cứ trong nước giỏi, làm ăn có lãi là ra ngoài cũng thế", ông nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, đối với những dự án thua lỗ, rõ ràng trách nhiệm thuộc về người ra quyết định đầu tư, người thực hiện dự án.

"Cần phải chịu trách nhiệm về tài chính, hành chính, nếu có gian lận, có giấu hiệu phạm pháp thì phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải coi như tiền chùa, cứ vác đi làm thế nào cũng được. Đã đến lúc Chính phủ phải rất nghiêm về việc kinh doanh mà thua lỗ như thế này", ông nói.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng thừa nhận, đúng là có những dự án như dự án đầu tư dầu khí tại Venezuela gặp phải những yếu tố rủi ro khách quan. "Dự báo tình hình đầu tiên tốt đẹp, quan hệ hữu nghị 2 bên cũng rất tốt nhưng khi làm thì có quá nhiều điều bất ngờ, rồi lạm phát của nước đó cao là những yếu tố khách qan có thể xem xét", ông nói.

Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh: "Trên thực tế, nhiều dự án chủ quan là rất lớn, trình độ quản lý, tính chuyên nghiệp khi thực hiện cũng rất thấp".

Ông Doanh cũng lưu ý đến các nhà đầu tư nước ngoài như người Nhật Bản trước khi đầu tư thường làm báo cáo tiền khả thi rất kĩ lưỡng. Ví dụ khi làm nhà máy xi măng họ khoan, xem đá phân tích đất đá, thậm chí đến khảo sát lực lượng lao động rồi mới quyết định đầu tư. Trong quá trình đầu tư mà sai lệch 5% thì lại ngồi vào với nhau xem có làm nữa không.

"Chúng ta phải học cách làm đó, phải có nghiên cứu tiền khả thi, đầu tư nghiêm túc, chứ không phải quyết định trên trời rơi xuống và ra lệnh hành chính rồi cứ thế mà làm. Đấy là cái giá mà chúng ta phải trả", ông nói.

Đồng thời cho rằng, giai đoạn tới phải xem xét và cần cẩn trọng hơn trong những quyết định đầu tư ra nước ngoài vì chúng ta không có công nghệ gì, cán bộ không được đào tạo chuyên nghiệp trong khi văn hoá, ngoại ngữ, việc chuẩn bị đầu tư thiếu chuyên nghiệp.

"Chúng ta phải rút kinh nghiệm. Tôi cũng hi vọng trong tương lai sẽ không lặp lại một đợt vươn ra biển lớn nhưng lại thua lỗ lớn như thế nữa", ông nói thêm.

Phương Dung

DNNN đầu tư ra nước ngoài thua lỗ: "Không phải tiền chùa, vác đi làm thế nào cũng được" - 2