Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với cơm, phở và hải sản?
Khó có thể hình dung viễn cảnh những thực phẩm được tiêu dùng hàng ngày đột ngột tăng giá. Tuy nhiên, với những diễn biến mới đây từ Dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, điều này là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi một tiền lệ sắp được tạo ra.
Theo đó, lần đầu tiên một mặt hàng tiêu dùng đại trà là nước ngọt có ga được đưa vào danh mục điều chỉnh của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với lý do mặt hàng này ẩn chứa những tác nhân có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Kể từ tháng 2 năm nay, sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo trên, trong các cuộc hội thảo lấy ý kiến, chủ đề này được thảo luận rất sôi nổi.
Dự thảo thuế TTĐB lên nước ngọt có ga không cồn, một sản phẩm tiêu dùng bình dân, đang là tâm điểm tranh luận của giới chuyên gia và doanh nghiệp.
Tại diễn đàn Triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được tổ chức bởi VCCI và AmCham, ông Christopher J. Snowdon, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế London (Anh Quốc) cho rằng: “Hiện tại trên thế giới, không có bất kì quốc gia nào đánh thuế các đồ uống là nước ngọt có ga không cồn dựa trên yếu tố có ga trong loại nước đó. Các nước đánh thuế đối với nước giải khát là có, nhưng phổ biến là dựa vào yếu tố hàm lượng đường quá nhiều đối với loại sản phẩm đó”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tuy nhiên, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, mức tiêu thụ đường trong nước ngọt hiện nay ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới. Trong công văn gửi Bộ Tài chính ngày 31/3 vừa qua, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, so với các nước trên thế giới, mức tiêu thụ đường của người Việt Nam hiện ở mức thấp, chỉ khoảng 15kg/người/năm, trong khi mức bình quân thế giới là 23,7kg/người, một số quốc gia cao lên tới 40 - 50kg/người.
“Với dân số hơn 92 triệu người mà trong đó phần lớn là người nghèo, người có thu nhập thấp thì việc tiêu thụ đường của bộ phận này thấp hơn con số bình quân 15 kg/người/năm rất nhiều. Các sản phẩm có đường trong thực phẩm như bánh kẹo, sữa, nước ngọt… thì hầu hết dân nghèo Việt Nam chưa đủ khả năng mua để đáp ứng nhu cầu tối thiểu”, Hiệp hội mía đường cho hay.
Ngoài ra, theo Hiệp hội mía đường, mức tiêu thụ của nước ngọt có ga không cồn hiện nay khoảng 925 triệu lít/năm, ứng với lượng đường tiêu thụ khoảng 74.000 - 110.000 tấn đường/năm (chiếm tỉ lệ 5,48 - 8,15% trên tổng số đường tiêu thụ của nước ta hiện nay), thì lượng đường đã tiêu thụ cho sản xuất loại đồ uống này không lớn lắm.
Với thực tế trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng kiến nghị chưa đưa mặt hàng nước ngọt có ga vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới.
Các kết quả khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, ga (CO2) hoàn toàn không có tác động tiêu cực nào đến sức khoẻ con người, thậm chí, CO2 sục trong nước uống còn chứa nhiều lợi ích y tế. Ví dụ như khả năng làm giảm chứng khó tiêu (ợ nóng, một biểu hiện của bệnh viêm loét), giảm chứng táo bón, và là tác nhân hạn chế hành vi ăn uống gây bội thực.
Thực tế cho thấy, mỗi ngày một người tiêu dùng đều hấp thụ một hàm lượng nhất định các hợp chất có trong thành phần nước ngọt có ga từ những thực phẩm quen thuộc, như café (4-MEI), hoa quả (sodium benzoate), cơm/ bánh mỳ (đường). Bác sĩ Mason Cobb, Chủ tịch Hội đồng Y tế và Sức khỏe của Phòng Thương mại Hoa kỳ (AmCham), đã dẫn chứng một thống kê thú vị rằng ăn một bát phở sáng đồng nghĩa với việc hấp thụ hàm lượng natri có trong 4 chai nước ngọt có ga 350ml.
“Nếu so sánh với lượng natri tiêu thụ trong nước tương, nước mắm thì con số còn lớn hơn thế, do trong 1 lít nước tương có chứa 0,16 kg muối”, bác sĩ Mason cho biết.
Và cũng cần phải nói rằng bất kể thành phần thực phẩm nào cũng cần được Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cấp phép mới được đến tay người tiêu dùng.
Phát ngôn viên của Cụcquản lý Dược phẩm và Thực phẩm FDA (Hoa Kỳ), ông Doug Karas đã tuyên bố rằng: “Các nghiên cứu về ung thư thử nghiệm trên các loài động vật gặm nhấm cho thấy rằng, một người phải uống trên một ngàn lon soda một ngày thì mới có khả năng mắc bệnh ung thư”.
Mặt khác, thủ phạm chính gây ra hầu hết các bệnh tiểu đường, béo phì không gì khác ngoài lối sống không lành mạnh và việc hấp thu quá nhiều đường từ tất cả các loại thực phẩm. Hàm lượng đường hấp thụ mỗi ngày trên thực tế còn đến từ nước ngọt không ga, hoa quả, thực phẩm qua chế biến, và đặc biệt là cơm trắng. Ngoài ra, thủ phạm dẫn đến bệnh gút ngoài bia, rượu là sự tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều đạm như thịt, cá, hải sản.
Như vậy, với lập luận của bản Dự thảo, một chuyên gia cho rằng, không loại trừ tất cả các mặt hàng kể trên như cơm, thịt, hải sản, cũng xứng đáng bị đánh thuế. Ngoài ra, khi so sánh tương đương trên mỗi 250ml giữa các loại nước ngọt không cồn thì hàm lượng đường của nước ngọt không cồn không ga không hề thấp hơn nước ngọt không cồn có ga, thậm chí còn cao hơn.