1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Có hay không chuyện ngân hàng, công ty cho vay làm lộ thông tin của khách?

Văn Hưng

(Dân trí) - Đại biểu Phạm Văn Thịnh đặt vấn đề có hay không chuyện ngân hàng quản lý tài khoản của khách hàng không chặt chẽ, dẫn đến xảy ra tình trạng lấy cắp thông tin để lừa đảo, lấy trộm tiền?

Bước vào phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, 68 đại biểu đăng ký chất vấn. Trong đó, vấn đề liên quan tới lừa đảo ngân hàng, lộ lọt thông tin, số điện thoại được đại biểu nêu ra.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) có 2 câu hỏi.

Ông cho biết, vừa qua có tình trạng mạo danh người khác qua Facebook, Zalo để chuyển tiền qua tài khoản. Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ việc quản lý tài khoản ở ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản mà người sử dụng không phải chủ tài khoản, khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi lừa đảo nảy sinh.

Vấn đề thứ hai được đại biểu này đặt ra là tình trạng người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền khi không trả nợ đúng hạn.

"Với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Thống đốc sẽ triển khai các biện pháp nào để hạn chế những hành vi vi phạm nêu trên?", đại biểu Quốc hội hỏi.

Có hay không chuyện ngân hàng, công ty cho vay làm lộ thông tin của khách? - 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận có hiện tượng lừa đảo lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng để trộm tiền (Ảnh: Quốc Chính).

Trả lời, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết cá nhân khi mở tài khoản đều phải xác thực định danh của mình. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng lừa đảo lấy cắp thông tin để lấy trộm tiền.

"Có hiện tượng chèn sóng khi ngân hàng có tin nhắn đến khách hàng, tiếp ngay sau đó người ta lại gửi tin nhắn đến khách hàng đó. Khách hàng không thể phân biệt được đây là tin nhắn ngân hàng hay tin nhắn giả mạo. NHNN sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, có giải pháp cảnh báo với người dân", Thống đốc cho biết.

Đối với trường hợp đòi nợ của công ty tài chính, NHNN đã rà soát và thấy cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa; thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h…

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nêu câu chuyện người dân dễ vay qua app, qua web thì hành lang pháp lý của hoạt động cho vay này ra sao. Đại biểu này cũng dẫn vụ việc cơ quan công an tại Hà Nội phát hiện vụ cho vay 5.000 tỷ đồng qua app gây hoang mang cho người dân. 

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết với sự phát triển của công nghệ cao thì thị trường cũng xuất hiện nhiều hoạt động. Cho vay ngang hàng (P2P lending) xuất hiện ở châu Âu đã lâu và mấy năm nay lan sang châu Á.

Trung Quốc cũng có thời điểm lập hàng mấy nghìn trang và thực hiện cho vay, xây nền tảng công nghệ kết nối 2 bên đi vay và cho vay. Còn tại các nước cũng xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền người cho vay, đi vay; người lập ra sàn công nghệ kết nối lại là 1 trong 2 bên nên gây mất an toàn. Trung Quốc cũng có biện pháp siết hoạt động này.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt giao NHNN chủ trì cùng các Bộ, ban ngành nghiên. Các bên có khảo sát, đánh giá và đang dự thảo nghị định cho hoạt động này để có hành lang pháp lý, đảm bảo là hoạt động lành mạnh, an toàn, rút kinh nghiệm trên cơ sở các nước để hạn chế rủi ro có thể phát sinh.