1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu lo "bong bóng chứng khoán", Bộ trưởng Tài chính lập tức trấn an

Nguyễn Mạnh Văn Hưng

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội lo hiện tượng thao túng, làm giá tạo ra "bong bóng chứng khoán". Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường đang phát triển tốt, sai phạm là đến từ các cá nhân.

Bộ trưởng Tài chính: Chứng khoán đang có bước phát triển tốt 

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8/6, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đang gấp nhiều lần giá trị lúc phát hành lần đầu (IPO).

Theo đại biểu, sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư, nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá lũng đoạn thị trường, tạo ra "bong bóng chứng khoán". Tình trạng này làm tăng suất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

"Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay? Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán phát triển ổn định trong thời gian tới?", ông Lâm đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán đang có bước phát triển tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 khoảng 26%. Đối với thị trường cổ phiếu, năm 2021, giao dịch đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng, chiếm 92% GDP và tăng 46,7% so với năm 2020. Trái phiếu doanh nghiệp thì đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP.

Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ 22 năm, nhưng có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi các nước tiên tiến đã có trên 500 năm rồi.

Đại biểu lo bong bóng chứng khoán, Bộ trưởng Tài chính lập tức trấn an - 1

Bộ Tài chính cho biết gần đây còn phát hiện cả trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền (Ảnh: Quốc Chính).

Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Theo Bộ trưởng, đây là những sai phạm của cá nhân. "Chúng tôi đã tiến hành cảnh báo cho nhà đầu tư, trình Chính phủ sửa Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp thực hiện minh bạch đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp", Bộ trưởng nói và khẳng định đây vẫn là những kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã tăng cường kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào để theo dõi các nghiệp vụ phát sinh; theo dõi sự lên xuống đột ngột của các cổ phiếu; thiết lập sàn riêng để theo dõi trái phiếu riêng lẻ. Tiến tới, cơ quan này sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành với một số lằn ranh.

Qua kiểm tra, Bộ Tài chính phát hiện nhiều vi phạm, có cả trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Hồi đầu tháng 4, Bộ Tài chính cũng đã thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán và phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Ông Phớc cho rằng đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HoSE bị cách chức...", Bộ trưởng cho biết.

Có hay không chuyện "không quản được thì cấm" với trái phiếu doanh nghiệp? 

Phiên chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Tài chính sáng 8/6 cũng "nóng" vấn đề về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khi mà các đại biểu liên tục đặt câu hỏi về chủ đề này. 

Thậm chí, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) còn đặt vấn đề về các sai phạm trên TTCK thời gian qua, phải chăng đó là sự yếu kém của cơ quan chức năng. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp lành mạnh hóa thị trường thay vì siết chặt theo hướng "không quản được thì cấm", ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện nay, không có chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt TPDN. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả để huy động cho doanh nghiệp, đóng góp cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc huy động phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng số tiền sai mục đích, đưa vào mục đích khác.

Hiện nay, quy mô TPDN của Việt Nam mới chỉ chiếm 15% GDP, so với mục tiêu chiến lược đặt ra năm 2025 phải đạt được 20%, 2030: 25% thì vẫn còn trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô TPDN của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất, vẫn còn dư địa.

Sau trả lời của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng việc Bộ trưởng so thị trường TPDN Việt Nam với các nước thì khập khiễng, vì các nước phát triển thị trường này lâu đời rồi, Việt Nam mới sơ khai. Mặc dù mới phát triển song theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, năm 2021, quy mô thị trường đã tăng lên 15% GDP, trong khi 2025 dự kiến là 20%.

"Riêng năm 2021 tăng rất đột biến và để xảy ra những sai phạm như đại biểu đã biết. Cần rà soát xem chính sách pháp luật có gì bất cập không, hoàn thiện thời gian tới như thế nào, thanh tra kiểm tra làm sao", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, mặc dù cơ quan nào cũng nói không có động thái siết TPDN, nhưng 2 tháng gần đây đã giảm mạnh. Chủ tịch cũng đặt vấn đề liên quan tới nợ đến hạn một số trái chủ. Nợ đến hạn năm nay rất lớn, vậy thanh khoản khu vực này như thế nào, Chủ tịch đặt vấn đề.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm