Đại biểu Quốc hội:

"Liệu có bắt tay, thao túng vàng miếng SJC hay không?"

Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Càng về cuối phiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước càng nhận được nhiều câu hỏi mà theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội là "hay và khó", trong đó có việc có hay không chuyện thao túng vàng miếng SJC.

Chiều 8/6, phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội tiếp tục diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có thêm thời gian để trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội từ phiên sáng. 

Sau đó, kết thúc chất vấn nhóm vấn đề ngành tài chính với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đăng đàn, trả lời loạt vấn đề "nóng" thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Sáng 9/6, Thống đốc sẽ có thêm 1 giờ tiếp tục trả lời chất vấn trước khi chuyển sang nhóm nội dung liên quan tới ngành giao thông vận tải.

Một trong những nhóm vấn đề được đại biểu chất vấn Thống đốc đó là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Gần 2 ngày thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội "nóng" với nhiều băn khoăn về gói hỗ trợ kích thích kinh tế được ban hành để hồi phục kinh tế trong 2 năm 2022-2023. Một số đại biểu lo ngại nhiều ngành kinh tế quan trọng, trong đó có du lịch khó khăn trong việc phục hồi nhưng chưa tiếp cận được vốn hỗ trợ.

Nội dung thứ hai nằm trong nhóm chất vấn, đó là việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Nhiều đại biểu lo ngại lạm phát tăng cao sẽ cản trở tiến trình phục hồi kinh tế thời gian tới.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hay việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng nằm trong nhóm vấn đề chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cuối cùng, Thống đốc cũng sẽ giải trình trước đại biểu thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ cùng tham gia chia lửa, trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.

Trước đó, tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về tình hình kiểm soát tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay chứng khoán, phát hành trái phiếu và bất động sản.

Cụ thể, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 4 năm nay, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% dư nợ nền kinh tế, chủ yếu là ngắn hạn (98%).

Tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4 năm nay là hơn 320.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng (2,86%). Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, điều này cho thấy hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng vẫn được kiểm soát.

Còn về quản lý, kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản, bà Hồng cho biết, đến cuối tháng 4 năm nay, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

Hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi đại biểu nêu rõ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, áp lực lạm phát ngày càng tăng do lạm phát các nước trên thế giới tăng cao trong khi độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, rủi ro nhập khẩu lạm phát.

"Khả năng giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn do lạm phát chịu áp lực tăng cao, xu hướng các ngân hàng trung ương lớn đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng nhanh tần suất và mức lãi suất để kiểm soát lạm phát", Thống đốc nêu khó khăn.

Cũng theo bà Hồng, nợ xấu tiềm ẩn tăng cao, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu biến động mạnh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và xu hướng đầu tư, theo đó tác động tới hoạt động ngân hàng.