Cô gái trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp, làm giàu bằng nghề làm bánh truyền thống
(Dân trí) - Với mong muốn giữ vững nghề làm bánh gia truyền qua bốn thế hệ, cử nhân trẻ Phan Thị Ly (SN 1990, thôn Triêm Đông, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) đã từ bỏ ngành du lịch, lựa chọn khởi nghiệp với nghề làm “bánh bảy lửa”, hay còn gọi là bánh khô mè.
Tốt nghiệp đại học ngành du lịch và cũng đã có thời gian hai năm làm đúng chuyên ngành, thế nhưng cô gái trẻ Phan Thị Ly vẫn quyết tâm bỏ phố về quê theo nghề làm “bánh bảy lửa” được truyền qua nhiều thế hệ của gia đình.
Năm 2015, dưới sự cổ vũ và kỳ vọng của người cha đáng kính, Ly đã mạnh dạn khởi nghiệp với thương hiệu bánh “Bà Ly”. Chia sẻ về quyết tâm của mình, Ly nói: “Nghề này đã truyền qua 4 đời, cha tôi rất tâm huyết và mong muốn có người nối nghiệp tiếp lửa cho nó. Và cả tuổi thơ tôi cũng đã gắn bó với loại bánh khô mè này nên rất hiểu và mong muốn chia sẻ cùng gia đình".
"Hiện nay nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng tôi tin tưởng bánh truyền thống vẫn có sức hút và chỗ đứng riêng, bởi ai dù đi đâu vẫn không quên được nguồn gốc của mình”, cô gái giàu nghị lực này chia sẻ.
Lớp bánh trong được cho vào khuôn rồi hấp, sau đó để một ngày cho bánh bớt hơi nóng sẽ xốp và giòn hơn
Thời gian đầu chưa có kinh phí, Ly tận dụng tre đan vỉ đựng bánh, tự đắp lò đất sét nướng bánh. Dẫu mưa hay nắng, cô gái trẻ vẫn rong ruổi xe máy khắp nẻo để tìm mua nguyên liệu quê chính gốc như gạo, mè, gừng.
Sau đó sẽ đem nướng qua bảy lần lửa, nên gọi là “bánh bảy lửa” , tiếp đó là khâu nhúng bánh
Tất cả các khâu làm bánh, cũng như bí quyết gia truyền để tạo nên sự khác biệt trong hương vị đều được Ly nắm vững. Muốn làm được bánh, đầu tiên phải chọn loại gạo xiệc để xay thành bột, sú nước rồi ray ra bột khô, sau đó bỏ khuôn hấp chín. Hấp xong qua lửa đầu tiên là nướng khô, xếp ráp lại một ngày lại nướng liên tục qua bảy lần lửa. Lúc này chọn mè chắc hạt, bắt chảo rang thật thơm. Đường kính trắng cho thêm nước, gừng giã nhuyễn, nấu đến khi kéo thành sợi thì ngưng.
Tiếp theo là lăn mè, mè phải được áo đều, lớp mè phủ kín khắp lớp bánh. Các nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, chính gốc địa phương
Tiếp đó lấy bánh đã nướng chín và nhúng đường, tắm mè. Cuối cùng, lấy đặt lên khuôn nướng lại lần cuối để vị ngọt của đường, vị béo của mè và vị cay của gừng hòa quyện.
Lớp bánh bên trong xốp, giòn, không quá khô. Lớp đường và mè được tắm không quá đặc, vừa phải bao đều quanh chiếc bánh khiến người thưởng thức thích thú và trầm trồ khen ngon.
Sau khi hoàn thành, sẽ cho ra bánh xốp, giòn, không quá khô; lớp đường thắng vừa tới không quá đặc, mè phủ đều bên ngoài khi ăn sẽ rất ngon miệng và thơm vị gừng
Vừa luôn tay nghe điện thoại khách đặt hàng, vừa theo dõi quá trình làm bánh, Ly chia sẻ: “Tất cả các khâu mình phải theo dõi, nêm nếm cũng phải chuẩn để đảm bảo có mẻ bánh thơm ngon. Tôi không làm sẵn, mà khi nào có khách đặt rồi tổng hợp làm trong ngày rồi giao luôn cho khách. Nó sẽ đảm bảo khách có thể nhận được bánh ngon nóng hổi liền tay, và đại lý dù có để qua vài ngày thì vẫn giữ được hương vị. Nguyên liệu cũng vậy, phải chọn lựa kỹ càng, tỷ mỉ. Theo ba tôi, mình làm ăn lợi nhuận là một chuyện nhưng chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu”.
Ngoài ra, xưởng bánh của Ly còn là nơi du khách tìm đến để tự tay làm bánh truyền thống và mua về làm quà
Những chiếc bánh thơm ngọt, đậm đà hương vị quê hương được làm ra, Ly mang đi “chào hàng” tại các tiệm tạp hóa và những quầy bán quà lưu niệm, cửa hàng bán đặc sản vùng miền để có thể đến tay những vị khách du lịch tại Đà Nẵng, Hội An…
Bánh thị trường ngày càng nhiều, nhưng Ly tin tưởng bánh truyền thống vẫn có sức hút và chỗ đứng riêng. Và cô gái trẻ như Ly sẽ là một trong những người tiếp lửa cha ông
Khi đã có khách hàng và đại lý để bỏ sỉ, xưởng bánh của Ly ngày càng được biết đến nhiều hơn. Lúc này, Ly đầu tư thêm máy móc hỗ trợ nướng, hấp. Hàng chục công nhân trong xưởng bánh “Bà Ly” đều là các mẹ, các chị có tay nghề thuần thục và tràn đầy tâm huyết để tạo nên chiếc bánh dân dã đậm tình quê hương.
Ngoài bánh khô mè, cơ sở còn làm các loại bánh như bánh khô nổ, nổ dẻo, bánh đậu xanh. Trung bình mỗi ngày, xưởng bánh của Phan Thị Ly cung ứng cho thị trường hơn 1.000 gói bánh (30 ngàn/gói), cung ứng cho thị trường tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Ngoài ra, các đoàn khách du lịch cũng tìm đến xưởng bánh Ly để trải nghiệm, trực tiếp làm ra sản phẩm rồi mua lại làm quà.
Theo cô gái trẻ Phan Thị Ly, cho dù đời sống phát triển hiện đại ra sao, hương vị quê nhà, hồn quê vẫn còn trong mỗi món quà bánh của cha ông xưa. Và Ly, sẽ góp phần là người tiếp lửa cho nghề truyền thống cha ông.
C.Bính-N.Linh