Chuyện thu phí BOT như "trấn lột" và cú ngã ngựa cựu "quan lớn" ngân hàng
(Dân trí) - Sự kiện kinh tế tuần qua tiếp tục nóng bằng các diễn biến từ bất cập của các trạm thu phí BOT song có lẽ nóng hơn lại là thông tin một cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố dù đã rời nhiệm sở 2 năm và đang an lành hưu trí.
Cố tình buôn thuốc giả sao chỉ phạt thuốc lậu?
Đầu tuần, một thông tin gây xôn xao dư luận: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) khẳng định: Các cá nhân, tổ chức của VN Pharma đã cố tình làm giả từ giấy tờ, hóa đơn đến chủng loại thuốc điều trị ung thư nhập về Việt Nam.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định: Thuốc trị ung thư H-Capita của VN Pharma là hàng giả. Vì vậy, vụ việc cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác!
Cũng ngay sau đó, cơ quan này đã gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm sai phạm các cá nhân liên quan đến vụ việc.
Tiền lẻ BOT lan từ Nam ra Bắc, có trạm BOT thu như "trấn lột"?
Giữa tuần, sau hiệu ứng trả phí bằng tiền lẻ tại trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang); đến lượt người dân, doanh nghiệp vận tải trên tuyến quốc lộ 5A (đoạn qua tỉnh Hưng Yên) trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT quốc lộ 5A, đoạn qua tỉnh Hưng Yên.
Trạm thu phí quốc lộ 5 thất thủ vì tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT
Hệ quả của sự việc này làm tuyến quốc lộ huyết mạch nối 4 tỉnh phía Đông Bắc từ Hà Nội - Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng ùn tắc kéo dài trong chiều tối 3/9. Đến nay, tình trạng trả phí qua trạm BOT quốc lộ 5A đoạn qua Hưng Yên cơ bản ổn định, song người dân, doanh nghiệp bức xúc cho rằng đường quốc lộ do ngân sách đầu tư, chủ đầu tư chỉ cải tạo, nâng cấp mà thu phí quá cao.
Ngay sau sự cố, chủ đầu tư đã "nhờ" chính quyền Hưng Yên, Bộ Công an vào cuộc xác minh các đối tượng gây rối trật tự.
Đứng ở góc độ người quan sát, tại một tọa đàm về BOT và chính sách quản lý Nhà nước, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi tham dự một hội thảo về thu phí BOT trong tuần qua đã chỉ rõ nhiều khuất tất của BOT hiện nay.
Ông Dũng cho rằng: BOT hiện đang có nhiều điều bất ổn. "Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí và không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được", ông Dũng nói.
"Tháng cô hồn" giảm giá xe và niềm tin bị đánh mất
Tháng cô hồn tháng 7 (âm lịch), câu chuyện râm ran thị trường xe hơi là chuyện nhiều đại lý, showroom ô tô của Honda Việt Nam tuyên bố giảm giá xe Honda CRV từ ngưỡng gần 900 triệu đồng/chiếc xuống gần 800 triệu đồng/chiếc, thậm chí có nơi chỉ còn 730 triệu đồng/chiếc.
Con số được báo giới đưa tin, dư luận trầm trồ khen ngợi vì cuộc đại chiến giảm giá xe sẽ bước vào lần thứ 4 trong năm. Vui mừng chưa thoả, mong đợt chưa xong thì nhiều người tiêu dùng bị dội gáo nước lạnh, lừa phỉnh vỡ òa bởi đó chỉ là một trong các chiêu trò kinh doanh.Đa số người dân không mua được xe CRV với mức giá rẻ như đã quảng cáo; đại lý bán xe cho khách tuyên bố hết mẫu xe giảm giá, chỉ còn các mẫu đắt hơn; hoặc giả là đặt xe với giá giảm nhưng phải mua thiết bị với giá đắt hơn....
Sự cố giảm giá sốc xe hơi đã và đang gây mất niềm tin của khách hàng Việt khá nhiều, khiến cho những cách thức giảm giá từng ngày, mặc cả giá xe như mớ rau, cân thịt trên thị trường phản tác dụng.
Người tiêu dùng bắt đầu nghi ngờ các động cơ giảm giá, đưa ra các bằng chứng tố các DN bán xe bội tín và hơn thế nữa chỉ ra giá của các mẫu xe như CRV tại Việt Nam dù được xem là giảm giá sốc nhưng Honda CRV Việt vẫn đắt hơn từ 40 - 200 triệu đồng/chiếc so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Mỹ.
Sau 2 năm hưu trí, "quan" Ngân hàng Nhà nước bị khởi tố
Thông tin nóng nhất trong tuần thuộc về một cựu lãnh đạo ngành ngân hàng, ông Đặng Thanh Bình - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa bị Bộ Công an khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Điều đáng nói, ông Bình là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng bị khởi tố sau 10 năm giữ 1 vị trí Phó Thống đốc ngành ngân hàng, 2 năm sau khi rời nhiệm sở.
Một thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm chính là dự án xây dựng bảo tàng 11.000 tỷ đồng bị kẹt vốn. Bộ Xây Dựng đã có văn bản kêu khó gửi Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để phấn đấu khởi công dự án năm 2021 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2024.
Đặc biệt, trong tuần, nhiều thông tin về kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh được Dân Trí phản ánh, cập nhật. Báo cáo đánh giá hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước tại Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói thẳng về thực trạng cổ phần hóa hoàn thành 96% doanh nghiệp nhà nước song chỉ cổ phần được 8% lượng vốn Nhà nước đang nắm giữ.
Ông Thiên cho rằng: "Bức tranh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang bị che giấu, xuyên tạc"
Cũng bàn về môi trường kinh doanh, dù Chính phủ kêu gọi xây dựng hệ sinh thái dành cho khởi nghiệp song các khởi nghiệp gia đánh giá môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Giám đốc Điều hành CyberAgent Đông Nam Á có trụ sở tại Việt Nam và Thái Lan cho biết: Giải ngân vốn khởi nghiệp: Singapore mất 1 tuần, Việt Nam mất 1 năm.
Kết thúc chuỗi sự kiện nổi bật trong tuần là thông tin sốc: Ngôi nhà 6 m2 ttrên phố Tây Sơn được trả giá hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ nhân vẫn nhất quyết không bán vì đòi mức giá cao hơn. Với mức giá 2 tỷ đồng, mỗi m2 của ngôi nhà nằm án ngữ tại cổng một toàn nhà lớn có giá 300 triệu đồng/m2. Đây được xem là mức giá khủng, tương đương với giá đất tại các tuyến phố cổ của Hà Nội hiện nay.
Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)