DBiz

"Chuyện lạ" ở công ty cà phê: Có 3 nhân viên, lãnh đạo đồng loạt nghỉ

Khổng Chiêm
"Chuyện lạ" ở công ty cà phê: Có 3 nhân viên, lãnh đạo đồng loạt nghỉ

Nhân sự lãnh đạo "lục đục"

Công ty cổ phần Minh Khang Capital Trading Public (mã chứng khoán: CTP) trong thời gian này liên tục nhận được đơn từ nhiệm của loạt lãnh đạo chủ chốt.

Gần đây nhất, công ty nhận được đơn từ nhiệm của 3 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và 2 thành viên Ban kiểm soát (BKS), gồm: ông Nguyễn Tuấn Thành - Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi và ông Lê Minh Tuấn - Thành viên HĐQT; bà Lê Thị Bích Ngọc - Trưởng BKS, bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ - Thành viên BKS. Trong đơn, các lãnh đạo đều nêu chung lý do có kế hoạch công việc trong thời gian tới.

5 người trong ban lãnh đạo từ nhiệm chưa phải là con số lớn nhất tại doanh nghiệp này. Trước đó, vào tháng 5 năm nay, toàn bộ thành viên HĐQT và BKS công ty, tổng cộng 8 người đều nộp đơn từ nhiệm.

Tuy nhiên sau đó, chỉ 2 thành viên HĐQT gồm ông Phạm Mai Anh và ông Khấu Minh Quân và 1 thành viên BKS là bà Nguyễn Thị Thanh Phương được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận đơn. Những người còn lại được cổ đông đề nghị cố gắng duy trì việc quản trị công ty cho đến khi công ty tìm ra người thay thế phù hợp.

Cùng với đó, cổ đông cũng bầu thêm 3 nhân sự mới là ông Trần Công Thành và ông Dương Văn Tịnh vào HĐQT, ông Trần Mạnh Linh vào BKS.

Mới đây nhất, Minh Khang Capital Trading Public đã công bố miễn nhiệm ông Nguyễn Tuấn Thành và bà Lê Thị Bích Ngọc. Thay vào đó, công ty bổ nhiệm ông Trần Công Thành làm Chủ tịch HĐQT thay ông Nguyễn Tuấn Thành và ông Trần Mạnh Linh làm Trưởng BKS từ ngày 3/10.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, tại ngày 30/6, công ty chỉ còn lại 3 nhân viên. Toàn bộ thành viên HĐQT và BKS không nhận thù lao, trong khi cùng kỳ năm trước có nhận 75 triệu đồng.

Cùng với những xáo trộn về nhân sự, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Thành và Tổng giám đốc Lê Minh Tuấn đã miệt mài bán ra cổ phiếu công ty.

Vào đầu năm nay, ông Nguyễn Tuấn Thành là cổ đông lớn nhất sở hữu 23,76% vốn. Tuy nhiên, ông này đã liên tục thoái vốn, lần cuối cùng bán 6,61% vốn từ ngày 9/9 đến 13/9 và không còn sở hữu cổ phần doanh nghiệp trước khi từ nhiệm. Ông Lê Minh Tuấn cũng đã bán toàn bộ cổ phần vào ngày 9/9 vừa qua, không còn là cổ đông công ty.

Chuyện lạ ở công ty cà phê: Có 3 nhân viên, lãnh đạo đồng loạt nghỉ - 1

Cổ phiếu CTP vừa trải qua giai đoạn "tăng nóng" (Nguồn: Wichart).

Trong quá trình các lãnh đạo thoái vốn, cổ phiếu CTP có giai đoạn "tăng nóng". Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thống kê trong tháng 8, CTP là cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất sàn. Từ đầu tháng 8 tới ngày 13/9, cổ phiếu này tăng từ vùng giá 8.000 đồng/đơn vị lên 42.700 đồng/đơn vị, tức tăng hơn 5 lần.

Cổ phiếu lập đỉnh cũng là giai đoạn các lãnh đạo cấp cao như ông Thành, ông Tuấn bán ra để thoái vốn. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu CTP đang giảm dần. Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, thị giá là 33.000 đồng/đơn vị.

Chân dung Minh Khang Capital Trading Public

Minh Khang Capital Trading Public tiền thân là Công ty cổ phần Cà phê Thương Phú, được thành lập năm 2010 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng tại Quảng Trị. Từ những ngày đầu thành lập, công ty đã đề ra kế hoạch phát triển bền vững ngành sản xuất và chế biến cà phê. Công ty đã đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất và dây chuyền chế biến quả tươi đạt chất lượng cao trên diện tích nhà máy 1,4ha.

Năm 2015, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với việc sở hữu 96,67% vốn điều lệ Công ty cổ phần Nasan Việt Nam. Công ty con này chuyên sản xuất cà phê nhân Arabica và 99% sản phẩm được xuất khẩu đi Mỹ, Đức, Nhật Bản.

Đến năm 2018, công ty mở thêm nhà máy chế biến cà phê quả tươi tại Sơn La. Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp có lượng cà phê nhân Arabica sản xuất lớn, có chất lượng trong nước và đem đi xuất khẩu ở nước ngoài.

Đến cuối năm 2019, doanh nghiệp bán toàn bộ vốn tại Nansan Việt Nam, đổi tên như hiện tại.

Năm 2020, công ty này định hướng phát triển đa ngành: phát triển chuyên sâu vùng trồng nguyên liệu nông sản, cà phê; chế biến và kinh doanh nông sản, cà phê; xây dựng thương hiệu cà phê mới; mở rộng đầu tư bất động sản, kinh doanh bất động sản tại khu vực miền Nam, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, trải qua gần 3 năm dịch bệnh kéo dài, chủ trương chiến lược phát triển đa ngành cũng bị chậm lại. Kế hoạch kinh doanh đề ra chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Năm nay, ban lãnh đạo công ty vẫn xác định khó khăn, định hướng doanh thu tăng 5-7% so với năm trước.

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2015-2020, công ty đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận sau thuế dao động trong khoảng 7-19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2020, sau khi công ty thoái toàn bộ vốn ở công ty chuyên doanh cà phê, kết quả kinh doanh dường như đi xuống. Doanh thu hàng năm về dưới 100 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ vài trăm triệu đồng, giảm mạnh so với giai đoạn trước đó.

Nửa đầu năm nay, tình hình càng khó khăn hơn khi doanh thu giảm 99% xuống còn 709 triệu đồng, công ty lỗ 178 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi.

Giải trình nguyên nhân, doanh nghiệp lý giải là do tình hình thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trong quý II tiếp tục có nhiều biến động khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp lên mảng kinh doanh trong khi các chi phí liên quan đến hoạt động không thay đổi.

Tại ngày 30/6, công ty có hơn 3 tỷ đồng tiền mặt. Tổng tài sản 153 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Công ty không có tài sản cố định, khoản phải thu ngắn hạn chiếm 76% và hàng tồn kho chiếm 22%.

Đáng nói, công ty có 37 tỷ đồng tạm ứng cho ông Nguyễn Tuấn Thành - Chủ tịch HĐQT - để đầu tư dự án Zen Garden Village tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với Công ty cổ phần Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư Tín Việt. Dự án này được giới thiệu có tổng đầu tư 626 tỷ đồng, công ty dự kiến đầu tư 65 tỷ đồng. Thời gian hoàn ứng từ quý III đến hết quý IV năm nay.

Công ty có 3 nhân viên trên cũng đang từng bước dấn thân bất động sản. Vừa qua, công ty đã nhận chuyển nhượng 15% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Hiền Lương. Công ty này làm dự án Trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (Takara Hòa Bình Resort, thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).