Chuyên gia Trương Đình Tuyển: 2 năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh”

(Dân trí) - Mặc dù nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ ở mức 6,5% song ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại lại tin tưởng, kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh” trong giai đoạn 2017-2018.

Hôm nay 8/4, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo UBND TPHCM, các thành viên tham gia đoàn đàm phán TPP; các đại biểu đến từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; tham tán thương mại các nước tại Việt Nam; các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo của gần 300 doanh nghiệp.


Các chuyên gia cho rằng, rất khó dự báo chính xác tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2016

Các chuyên gia cho rằng, rất khó dự báo chính xác tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2016

Cơ hội từ các FTAs, TPP, AEC...không tự biến thành lợi ích

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP cho rằng, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt.

Theo ông Trương Đình Tuyển, cơ hội từ các hiệp định FTA đưa đến cho Việt Nam là thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn; tiếp thu công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế…

Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh); thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, về an ninh mạng. “Khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương, nếu sản phẩm không cạnh tranh được và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cũng không xâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, trong khi sản phẩm của họ dễ dàng vào nước ta. Một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội”, ông Tuyển bày tỏ sự lo lắng.

Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, tác động của các hiệp định theo hướng tích cực là rất lớn, song, cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh trên thị tường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình để có hành động phù hợp
Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình để có hành động phù hợp

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ ở mức 6,5%

Hiện có nhiều tổ chức quốc tế đưa ra các dự báo về kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2016 - 2017, thậm chí đến 2020. Đặc điểm nổi bật trong các dự báo mới nhất của các tổ chức này là hạ mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với dự báo tăng trưởng trong năm 2016 thấp hơn 2015.

Những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng của mỗi quốc gia là bất định, ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, việc dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian 2016-2018 là rất khó. Ngay cả các tổ chức dự báo có uy tín cũng phải thường xuyên điều chỉnh dự báo.

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển, đối với Việt Nam, có thể nhận định rằng những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng kinh tế là tích cực. Nhưng như vậy là chưa đủ, cần phải xem xét yếu tố bên trong.

Những hạn chế yếu kém sẽ dẫn đến xu thế tiêu cực đang diễn ra từ đầu năm 2016, tác động đến khả năng tăng trưởng trong năm 2016 và cả những năm sau.

Thử dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 năm, ông Trương Đình Tuyển cho rằng năm 2016, tác động của các FTA chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó hơn năm 2015. Nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt thì sẽ phải đánh đổi tăng trưởng. Trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới.

Từ những lý do trên, ông Tuyển cho rằng, tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu bốn nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy vậy, ông Tuyển tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh” trong giai đoạn 2017-2018.

Theo ông Tuyển, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017, trừ FTA Việt Nam –EU, các FTA khác đã kết thúc đàm phán và cũng sẽ có hiệu lực. Điều này dự báo cho sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong nước, bộ máy quản lý các cấp đã đi vào hoạt động ổn định. Phong trào khởi nghiệp sẽ mạnh hơn trong năm 2017, sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới, là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 và năm 2018 sẽ còn cao hơn. Tuy nhiên, ông Tuyển cũng lưu ý rằng, dự báo chỉ nêu được xu thế để định hướng cho doanh nghiệp hành động, thực tiễn có thể khác. Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình để có hành động phù hợp.

Công Quang

Chuyên gia Trương Đình Tuyển: 2 năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh” - 3