Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội rất lớn, Việt Nam có "chơi" được không?

(Dân trí) - Để tận dụng được cơ hội khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm nay, Việt Nam cần phải đi nhanh hơn nữa, cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh hội nhập và thực thị cam kết sâu rộng hơn.

(Ảnh minh hoạ),
(Ảnh minh hoạ),

Sáng ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN” hình thành một nền kinh tế gắn kết với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỷ USD (tăng 80% trong 7 năm qua). Xung quanh câu chuyện này, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Thành lập AEC là mốc lịch sử

Thưa ông, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Xây dựng Cộng đồng ASEAN đòi hỏi cả 3 trụ cột: cộng đồng kinh tế, cộng đồng an ninh và cộng đồng văn hoá - xã hội. Cho đến nay, cộng đồng kinh tế đã đi trước một bước, được coi là tiền đề cho việc hình thành cộng đồng nói chung. Thời điểm công bố văn kiện cho sự ra đời của AEC vào ngày 31/12/2015 được coi là mốc lịch sử nhưng phải hiểu rằng ý tưởng, luật chơi, cam kết, thực thi để đi đến ngày 31/12/2015 là một quá trình.

Và quá trình này còn tiếp tục bởi trên thực tế, ASEAN vẫn còn cách mục tiêu đặt ra khá xa trên nhiều lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua tầm nhìn AEC sau năm 2015, theo đó, đặt ra rất nhiều vấn đề mới mà cộng đồng kinh tế này phải tiếp tục hoàn thiện. Đó là chưa nói tới thách thức để làm sao hoàn thiện và tuyên bố hình thành cộng đồng văn hoá - xã hội, cộng đồng an ninh.

Việc xây dựng một cộng đồng ASEAN, theo ông sẽ mang lại lợi ích gì cho 90 triệu người dân Việt Nam?

Việc xây dựng cộng đồng này có lợi ích hay không? Nhìn lại quá khứ có thể thấy, việc xây dựng cộng đồng gắn kết về kinh tế, đặc biệt là tự do hoá đầu tư thương mại, dịch vụ đã giúp thương mại và đầu tư nội khối có gia tăng mặc dù tỷ trọng chưa phải chiếm tối đa.

Bên cạnh đó, điều có thể thấy rất rõ là ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang dần trở thành khu vực hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoài khối. Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào ASEAN tăng mạnh, dần dần đưa ASEAN trở thành căn cứ của các tập đoàn lớn.

Tôi tin rằng tác động trong tương lai chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn vì mức độ mở cửa và kết nối tốt hơn. Đầu tư và thương mại sẽ có điều kiện phát triển trong khi nguồn lực dịch chuyển nhanh hơn, phân bố nguồn lực cho kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, mang lại thuận lợi cho các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam cần đi nhanh hơn nữa

Ông đánh giá những thay đổi đáng kể nhất có thể nhìn thấy được trong thời gian ngắn sắp tới là gì?

ASEAN ngày càng gắn kết với bên ngoài khi sắp tới sẽ là đàm phán ASEAN + 6, ASEAN - EU, nhiều nước tham gia hiệp định thương mại tự do với các nước bên ngoài. Chơi với ASEAN, các nước sẽ thấy thị trường ngày càng thống nhất và liên kết giúp tăng khả năng tiếp cận cơ hội mới trong kinh doanh.

Do đó, theo tôi, thay đổi lớn nhất và cũng rất quan trọng cho các bước phát triển tiếp theo là cảm nhận của ASEAN và cảm nhận của các nước ngoại khối rằng, chơi với ASEAN không chỉ là chơi với ASEAN mà là đang chơi với cả thế giới.

Trong bối cảnh hiện tại khi Việt Nam bị đánh giá là tụt hậu so với các nước trong khu vực, vậy khi gia nhập AEC ông dự báo chiều hướng sẽ như thế nào?

Việt Nam là một nước gia nhập ASEAN sau, là nền kinh tế chuyển đổi với trình độ thấp hơn ASEAN 6 cho nên là khoảng cách giữa Việt Nam và nhiều nước trong khối vẫn còn đó. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khái quát, Việt Nam đang ở mức trung bình khá, hơn CLM (Campuchia – Lào – Myanmar).

Dù vậy, cái chúng ta muốn hơn là phải đi nhanh hơn nữa, đi mạnh hơn nữa về cải cách trong bối cảnh hội nhập và thực thi cam kết sâu rộng hơn. Vậy liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội không và có chơi được không dù cơ hội rất lớn?

Tôi cho rằng, có cả khía cạnh để tin là chúng ta chơi được, dù yêu cầu cao hơn, mạnh hơn nhưng chúng ta có hành trang hơn 30 năm đổi mới hội nhập, có khát vọng. Dù vậy, vẫn có khía cạnh lo lắng, thậm chí bi quan, bởi ta yếu ta nghèo, nhiều điều làm chưa tốt, một số chiến lược nắm bắt chưa được tốt. Cùng với đó là rất nhiều những hiện tượng kinh tế - xã hội - văn hoá khiến người dân đang rất bức xúc, trong đó có những cái đang lo trong ngắn hạn, có cái “đau đáu” cho phát triển dài hạn

Vậy, chúng ta phải làm như thế nào? Phải có khát vọng, niềm tin mới làm được. Đồng thời, phải có bản lĩnh, ý chí và bản lĩnh, ý chí đó cần được truyền tải bài bản, chuyên nghiệp ngay từ nhà nước, doanh nghiệp.

Hội nhập mở ra cơ hội cho người lao động

Khi Việt Nam gia nhập AEC, lao động sẽ được tự do luân chuyển nội khối, đối tượng được cho rằng chịu tổn thương nhiều nhất là người lao động. Theo ông, đây có phải là vấn đề đáng lo ngại?

Điều quan trọng với người lao động là hoạt động kinh tế có sôi động không. Nếu tăng trưởng kinh tế tốt, bền vững thì nhiều công ăn việc làm được tạo ra và nếu khối doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt, có điều kiện thuận lợi phát triển, bản thân họ tận dụng cơ hội thì người lao động cũng không lo thiếu việc làm.

Điều quan trọng thứ 2 là sự phát triển đó phải gắn với cách làm ăn bài bản của doanh nghiệp, cộng với sự hỗ trợ về không gian chính sách, môi trường kinh doanh… Nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ phát triển ngày càng tốt hơn. Đằng sau đó là công ăn việc làm và việc làm có thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, nền kinh tế không phải luôn đi cùng chiều, đặc biệt trong ngắn và trung hạn nhất định sẽ có tổn phí, có khó khăn và tác động tiêu cực tới người lao động. Ví dụ, có những lĩnh vực không cạnh tranh được phải ngừng hoạt động, thậm chí phá sản khiến người lao động mất việc làm, hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập. Khi đó, nhà nước và các hiệp hội phải có vai trò cung cấp thông tin để họ dịch chuyển sang ngành nghề khác, hỗ trợ họ trong thời gian khó khăn, đào tạo, huấn luyện để họ thích nghi với nghành nghề mới.

Một điều nữa có thể ảnh hưởng tới người lao động là họ có tận dụng được cơ hội mới không? Hội nhập chỉ mở ra cơ hội còn tiếp cận phụ thuộc nhiều vào thông tin, hạ tầng vào năng lực của chính họ. Và họ có năng lực để tiếp cận không thì lại là vấn đề đào tạo, giáo dục.

Ngoài ra, kinh tế sẽ phát triển, dịch chuyển lao động kĩ năng sẽ dễ dàng hơn nhưng cũng phải hiểu rằng dịch chuyển lao động kĩ năng không phải ồ ạt, dễ dàng bởi vì khuôn khổ pháp lý cho phép nhưng còn dựa trên thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong từng lĩnh vực, hàng rào kĩ thuật và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp mỗi nước.

Phương Dung

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội rất lớn, Việt Nam có "chơi" được không? - 2