VCCI: “Hiểu biết lơ mơ, doanh nghiệp Việt đang ủng hộ TPP một cách thái quá”

(Dân trí) - TPP hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp FDI thế nhưng số doanh nghiệp FDI ủng hộ TPP chỉ khoảng 30 - 40% trong khi, tỉ lệ doanh nghiệp nội của Việt Nam ủng hộ TPP lên đến 60%.

Phát biểu tại “Tọa đàm TPP – Cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi” diễn ra sáng nay (15/3), bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó trưởng ban Pháp chế (VCCI) tỏ ra băn khoăn trước những khảo sát của cơ quan này về sự sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp trước TPP.

Theo đó, trong năm 2015, kết quả điều tra từ 10.000 doanh nghiệp của VCCI cho thấy, có tới 68% doanh nghiệp đã biết về TPP. Đây là một kết quả khá lạc quan – bà Trang cho biết, và tỉ lệ doanh nghiệp biết về TPP được đánh giá là lớn nhất so với những Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam từng tham gia trước đây.

Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đề ủng hộ và lạc quan về tương lai của TPP. “Về mặt tinh thần thì có vẻ như các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho TPP” – đại diện VCCI nhận định.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Không ít doanh nghiệp cho rằng, không cần chuẩn bị cho FTAs thì doanh nghiệp vẫn tồn tại được
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Không ít doanh nghiệp cho rằng, không cần chuẩn bị cho FTAs thì doanh nghiệp vẫn tồn tại được

Thế nhưng, phía VCCI cũng chỉ ra rằng, trên thực tế lại có rất nhiều lý do để lo lắng hơn là lạc quan. Gần 70% đã biết về TPP nhưng 70% trong số đó lại chỉ “biết sơ qua”, tức chỉ là “có nghe nói đến TPP” mà thôi. Những doanh nghiệp này hầu hết “biết” TPP qua các phương tiện báo chí, truyền thông.

Như vậy, sẽ rất khó để chuyển hóa những hiểu biết này trở thành hành động, giúp doanh nghiệp chớp lấy được cơ hội từ TPP.

Bà Trang cũng tỏ ra băn khoăn và lo lắng, bởi mặc dù doanh nghiệp ủng hộ TPP rất lớn nhưng dường như mới dừng ở mức độ “hứng khởi” hơn là sẵn sàng.

“Một nghiên cứu gần đây có nói Việt Nam là một trong những quốc gia lạc quan nhất giới. Tôi không rõ đây có phải là kết quả chính xác không nhưng rõ ràng theo kết quả điều tra PCI của chúng tôi, TPP hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp FDI thế nhưng số doanh nghiệp FDI ủng hộ TPP chỉ khoảng 30-40% trong khi các doanh nghiệp nội của Việt Nam ủng hộ TPP lên đến 60%!” – bà Trang cho hay.

Đại diện VCCI lo ngại, sự hứng khởi sẽ qua mau, tương tự như sự hứng khởi một cách thái quá thời WTO, và sau đó doanh nghiệp mới nhận thấy, những kỳ vọng dành cho WTO đã vượt quá xa so với thực tế những gì mà doanh nghiệp đã tận dụng được từ hiệp định này.

“Sự hứng khởi cũng tạo ra một tâm lý chủ quan rằng gia nhập TPP như một phép thần kỳ nào đó có thể làm thay đổi nền kinh tế”, bà Trang nhấn mạnh.

Bà Trang dẫn một ví dụ cho biết, theo điều tra hồi cuối năm ngoái về EVFTA (hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), khi hỏi doanh nghiệp có cần chuẩn bị gì để sẵn sàng cho việc hội nhập EVFTA nói riêng và các FTA nói chung không, thì rất ngạc nhiên là có 5-7% doanh nghiệp trả lời rằng “không chuẩn bị gì”.

Các doanh nghiệp này cho biết, những hiệp định thương mại quan trọng khác trước đây như WTO, họ cũng không cần chuẩn bị gì mà vẫn tồn tại. Đây thực sự là một điều đáng lo ngại, bởi thực tế, với những FTA đã ký kết, thực tế Việt Nam đã để vuột khoảng 70% cơ hội xuất khẩu mà tìm mãi chưa ra lý do vì sao chỉ tận dụng được 30% ưu đãi?

Bà Trang cũng đề cập đến những yếu tố nội tại của nền kinh tế trước ngưỡng cửa TPP, đặc biệt là vấn đề thể chế và sức cạnh tranh.

“Chúng ta đã thực sự có môi trường cạnh tranh hay chưa, nếu có thì tại sao cứ phải nói mãi câu chuyện giá xăng giảm mà giá vận tải không chịu giảm? Chúng ta đã thực sự thuận lợi hay chưa, nếu thuận lợi rồi thì vì sao vẫn phải nói nhiều như vậy câu chuyện cải cách hành chính? Chúng ta có một môi trường cạnh tranh công bằng chưa, hay vẫn có những ưu tiên trong chính sách hay trên thực tế cho những doanh nghiệp nhà nước hay thậm chí là các doanh nghiêp FDI hơn là các doanh nghiệp trong nước?” – đại diện VCCI trăn trở.

Và với 30 chương, từ 1.200 trang (chỉ tính riêng cam kết của Việt Nam) đến 6.000 trang văn bản (liên quan đến các nước khác), ngôn ngữ rất hàn lâm, khó hiểu, theo bà Trang, để hiểu và tận dụng được những cơ hội và đối phó với thách thức từ TPP, sẽ cần phải có sự vào cuộc, thực tâm quan tâm của cả Nhà nước, các hiệp hội và doanh nghiệp.

Bích Diệp

VCCI: “Hiểu biết lơ mơ, doanh nghiệp Việt đang ủng hộ TPP một cách thái quá” - 2