Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đón đại bàng FDI đang khốc liệt như "cuộc chiến"

(Dân trí) - "Thực tế đi săn các đại bàng FDI khó khăn và khốc liệt như bước vào một cuộc chiến. Nơi đó có sự cạnh tranh đến từ chính sách vĩ mô đến hành động vi mô", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Xung quanh vụ việc Apple chọn bỏ Việt Nam và việc một tập đoàn công nghệ đánh tiếng chọn Ấn Độ thay vì Việt Nam sau khi rút chân khỏi Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận thời gian qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ thêm với Dân trí về vấn đề này.

Thu hút FDI đang là cuộc chiến giành giật lẫn nhau

Thưa bà, việc Ấn Độ nổi lên là "điểm đến" của các doanh nghiệp công nghệ lớn có khiến chúng ta thấy bất ngờ, hụt hẫng?

- Bà Phạm Chi Lan: Vai trò của Samsung ở Việt Nam rất lớn, trong nhiều năm đầu tư và mở rộng vị thế hàng "Made in Vietnam" về điện thoại đang lớn dần.

Đây cũng là nguyên do khiến các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ có ý định lôi kéo Samsung. Chính Thủ tướng nước này nhiều lần chào mời Tập đoàn Samsung. Khi Chủ tịch Samsung sang Ấn Độ đã có cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao nước này và nhận được lời chào mời rất hấp dẫn. Việc này xảy ra khoảng 1 năm trước, trước khi đại dịch covid-19 xảy ra.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đón đại bàng FDI đang khốc liệt như cuộc chiến - 1

Chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tôi thấy như vậy đã rất giật mình. Họ chuẩn bị từ trước khi dịch covid-19 xảy ra, ngay từ khi chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ. 

Ở Việt Nam, chuyện giải phóng mặt bằng khó giải quyết nhưng ở Indonesia họ chuẩn bị cả 1.000 ha để xây dựng cơ sở công nghiệp cần thiết. Ở Ấn Độ, họ chuẩn bị cả thành phố đế đón doanh nghiệp vào.

Nếu coi cạnh tranh về FDI là một "cuộc chiến" thì các yếu tố về cơ sơ vật chất, nhân lực, trình độ của Ấn Độ đang hơn Việt Nam. Đây có phải là yếu tố giúp họ có lợi hơn so với chúng ta?

- Việc các tập đoàn lớn nhắm đến Ấn Độ, nơi có công nghệ tốt, tiếng Anh tốt, cơ sở vật chất tốt và Chính phủ đưa ra chủ trương "Make in India" do đích thân Thủ tướng Ấn Độ Modi đưa ra từ rất nhiều năm trước, là điều dễ hiểu.

Việc lỡ cơ hội từ Apple là rất đáng tiếc nhưng nó giúp cho Việt Nam nhìn ra mình đang ở đâu và cần chuẩn bị những gì, làm những gì để thu hút tốt các doanh nghiệp lớn.

Apple định vào Việt Nam, họ đã khảo sát những khả năng đáp ứng của Việt Nam là khá hạn chế, eo hẹp. Nền giáo dục của chúng ta nhiều năm qua rất chậm cải cách, nặng về lý thuyết và thiếu thực tiễn, chưa theo kịp với yêu cầu nhân lực và trình độ phát triển.

Thực tế cuộc đi săn các "đại bàng" FDI khó khăn, khốc liệt như chọn bước vào một cuộc chiến, nơi đó sự cạnh tranh đến từ chính sách vĩ mô cho đến hành động vi mô.

Mặc dù ở Việt Nam, chính sách của Chính phủ đưa ra rất tốt, nhưng thực hiện bên dưới khá kém, giải pháp nào để chúng ta giữ chân được các nhà đầu tư cũ và thu hút được các nhà đầu tư mới, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược?

- Rất mừng Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TƯ về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đã đưa ra những đường hướng cơ bản đúng đắn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Ở Việt Nam hiện có 4 tầng chính sách, có lẽ thượng tầng có chính sách tốt hơn, nhưng từ phía Bộ trở xuống, đến địa phương đã bị méo mó, rơi rớt đi rồi, cấp xã thì yếu kém hơn nữa.

Trong Báo cáo 2035 do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, họ đề cập đến tình trạng "phân mảnh" và "thương mại hóa" các dịch vụ công.

"Phân tán" quyền lực quá lớn giữa các nơi, phân tán ngang - dọc, bộ máy lớn và ai cũng có quyền lực. "Thương mại hóa" ở chỗ có nhiều dịch vụ đáng lẽ là dịch vụ công nhưng trở thành dịch vụ có tính chất thương mại, thu tiền về cho cơ quan Nhà nước.

Trước nay chúng ta vẫn tự hào về xuất khẩu điện thoại, dệt may nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu, không chen chân vào chuỗi giá trị các tập đoàn lớn... Nguy cơ một "nền kinh tế rỗng ruột", phụ thuộc FDI, nếu các tập đoàn lớn rút chân đi thì chúng ta không còn gì, bà bình luận gì về vấn đề này?

- Từ "Đổi mới" đến nay là 1/4 thế kỷ nhưng đến nay chúng ta mới chỉ làm và mải miết làm gia công, thậm chí hài lòng với gia công, với ưu thế lao động giá rẻ.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đón đại bàng FDI đang khốc liệt như cuộc chiến - 2

Chúng ta nguy cơ rơi vào bẫy lao động giá rẻ, từ bẫy lao động giá rẻ đó rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Nếu không chịu vươn lên làm các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, chúng ta sẽ luôn đi sau thời cuộc, chứ không nói đến cạnh tranh sòng phẳng với họ được.

Không chỉ nói đến niềm tự hào xuất khẩu điện thoại của Việt Nam đang có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, chúng ta đang chỉ gia công, giá trị gia tăng thấp mà ngay cả các ngành như dệt may, da giày phát triển nhiều năm, chúng ta vẫn làm gia công.

Dứt khoát Việt Nam phải thay đổi, chúng ta nói đến tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng có đến cả chục năm nay, nhưng đến nay chưa làm được bao nhiêu cả.

Dễ hài lòng sẽ dính bẫy lao động giá rẻ, thu nhập trung bình

Chúng ta đã tham gia sâu rộng vào EVFTA, CPTPP, sắp tới là RCEP, hoặc có thể tham gia vào sân chơi với "Bộ tứ kim cương", tuy nhiên tỷ lệ vốn FDI của châu Âu, Mỹ vào Việt Nam khá ít. Intel vào Việt Nam năm 2006, nhưng rồi sau đó cũng khá chìm. Trước những cơ hội cho Việt Nam mở ra, chúng ta phải thay đổi như nào để hút vốn đầu tư chất lượng hơn, lớn hơn?

- Singapore đã từng tận dụng nhiều điều kiện bên ngoài những năm 60-80 của thế kỷ 20 để phát triển trở thành trung tâm tài chính, logistics của khu vực và thế giới. Sự thịnh vượng của một quốc gia bên cạnh nội lực còn phải tận dụng và nắm bắt được thời cơ.

Ở Việt Nam, thể chế kinh tế thể hiện ở các chính sách vĩ mô và ở việc hiện thực hóa các chính sách ấy. Hiện một số doanh nghiệp công nghệ lớn vẫn chủ yếu là mua sản phẩm của công ty con từ Hàn Quốc, từ Nhật Bản sang Việt Nam chứ thực tế các doanh nghiệp Việt tham dự vào chuỗi liên kết rất thấp. 

Trở lại câu chuyện Intel, khi kéo được Intel vào Việt Nam xuất phát từ cam kết của lãnh đạo cấp cao. Chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp trực tiếp Intel để trao đổi nhiều lần, lập hẳn một tổ công tác do các ông Chu Hảo, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ, ông Nguyễn Mại, phụ trách về đầu tư nước ngoài cùng một vài người nữa đàm phán với Intel để xem họ cần gì để đáp ứng họ.

Trên cơ sở đàm phán, cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã quyết định cho phép Intel được vượt rào trong một số các quy định trong Quyết định của Thủ tướng năm 2005 và năm 2006. Nên Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam đúng thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.

Tiếc rằng, sau khi vào WTO, có Chính phủ mới chúng ta không theo sát với họ. Cái vấp của họ ngay sau đó là nhân lực, Intel tiếp nhận nhân lực tại Việt Nam rất khó khăn. Chúng ta đã không giúp Intel nâng cao được giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Sau này, trong báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của Intel tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Fulbright nêu, Intel chỉ tạo được giá trị gia tăng 3% ở Việt Nam, con số khá đáng buồn, cái kết không đẹp dù cả hai đã có khởi đầu đúng đắn và tích cực.

Ba yếu tố giúp chúng ta đi lên đó là con người, chính sách và cơ sở vật chất, thì con người là quan trọng nhất. Làm sao để thu hút người tài về nước cống hiến, người tài trong nước thể hiện khả năng?

- Muốn thu hút trí thức giỏi ở nước ngoài về nước cống hiến thì hãy tạo điều kiện cho người giỏi trong nước được cống hiến hết khả năng, được làm khoa học và phát triển mà không lo bị ràng buộc, chi phối bởi điều này, cái kia.

Cũng như việc thu hút các doanh nghiệp lớn châu Âu, Mỹ, họ nhìn vào kết quả kinh doanh của những người bạn mình tốt thì họ mới vào, họ học hỏi kinh nghiệm, họ lường được hết rủi ro chính trị, thay đổi chính sách mới đầu tư được.

Trân trọng cảm ơn bà!