1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Apple bỏ chọn Việt Nam là bài học

(Dân trí) - "Người ta nói thật hay mượn Việt Nam để mặc cả, để đánh tiếng với các quốc gia khác, điều này cho thấy Việt Nam không phải là một địa điểm cho các trò chơi có thật", ông Bạt nói.

Việc Apple bỏ chọn Việt Nam, một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới "đánh tiếng" chọn Ấn Độ khi rút chân khỏi Trung Quốc là câu chuyện đáng quan tâm trong chính sách cạnh tranh và thu hút FDI thời gian qua. Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp tại Việt Nam cho rằng: đây là những bài học lớn và là một sự đau xót.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Apple bỏ chọn Việt Nam là bài học - 1

Nhà tư vấn đầu tư, chuyên gia và luật sư Nguyễn Trần Bạt, nhà sáng lập Invest Consult Group, công ty tư vấn chuyên nghiệp về đầu tư tại Việt Nam về vấn đề nói trên.

Báo Dân trí xin trích đăng cuộc trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, doanh nhân, nhà tư vấn, luật sư, người sáng lập Invest Consult Group, công ty tư vấn chuyên nghiệp về đầu tư tại Việt Nam về vấn đề nói trên.

Việt Nam được "mượn" để đánh tiếng với quốc gia khác

Ông có đánh giá thế nào về thông tin Apple từ chối sang Việt Nam vì điều kiện sản xuất tại Việt Nam thiếu thốn?

- Đau xót lắm, người ta nói thật hay mượn Việt Nam để mặc cả, để đánh tiếng với các quốc gia khác, điều này cho thấy Việt Nam không phải là một địa điểm cho các trò chơi có thật. Chúng ta không so được với Ấn Độ, chỉ nguyên việc đem kinh tế Ấn Độ ra phân tích trong tương quan so sánh với kinh tế Việt Nam thì đã rất chênh lệch rồi.

Vì những lý do văn hóa, tôn giáo và lý do chính trị quốc tế nào đó mà Ấn Độ chưa trở thành cường quốc. Nhưng chúng ta vẫn phải xem Ấn Độ là một cường quốc. Các cường quốc có địa vị khác nhau, có kích thước khác nhau trong những điều kiện chính trị xã hội quốc tế khác nhau.

Tuy nhiên, cũng phải trách chúng ta bởi chúng ta không có những hoạt động thực tế chuẩn bị để thu hút đầu tư nước ngoài, không sớm xây dựng cơ sở vật chất để đón lõng họ.

Thí dụ, nếu nhìn nhận nghiêm túc thì phải thấy chỉ có những con đại bàng già hết trứng mới rời khỏi Trung Quốc chứ những con đại bàng còn đẻ được sẽ không rời đi. Apple, Samsung là những con đại bàng còn đẻ được, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng thế.

Hy vọng các công ty Mỹ từ Trung Quốc chạy về Việt Nam là không thực tế. Chúng ta thấy công ty Mỹ ở đây đa số chỉ có văn phòng đại diện, số công ty Mỹ hoạt động thật ở Việt Nam chỉ có vài doanh nghiệp trong khi doanh số của Mỹ ở khu vực châu Á rất lớn. Thực tế này buộc Việt Nam phải tự đặt câu hỏi cho mình và tự giải đáp.

Người Mỹ phát triển một cách ghê gớm bằng các liên kết với khu vực này và bằng hoạt động của họ ở Trung Quốc. Và cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng giỏi, càng hiểu biết, không có lý gì Trung Quốc lại làm cho người Mỹ chán ở một thị trường tỷ dân so với việc sang một quốc gia khác cả.

Tôi cho rằng, Trung Quốc ngày càng đi lên vì dân tộc ấy đi lên và nếu không xuất phát từ suy luận như thế thì chúng ta không thể nào sống bên cạnh Trung Quốc được.

Có lần tôi được mời ăn cơm và nói chuyện với ông Trần Nguyên, con trai cả của Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Vân. Hôm đó tôi đi cùng với ông Nguyễn Thiệu là trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Trần Nguyên nói: “Phương Tây không hiểu cơ cấu giá thành xuất xưởng của hàng hóa Trung Quốc. Cấu trúc ấy có nhiều lỗ rỗng đến mức chúng tôi không cần thay đổi chính sách tiền tệ mà chỉ cần thay đổi cấu trúc sản xuất một chút thì đã thỏa mãn để cạnh tranh rồi.

Chúng ta đã không chuẩn bị cho con người 

Điều kiện sống cho công nhân, tính bền vững trong cộng đồng, cơ sở vật chất hay yếu tố chuỗi liên kết là những điều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến khi quyết định bỏ tiền vào Việt Nam, ông có cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi thu hút những con đại bàng lớn với triết lý và văn hóa kinh doanh khác biệt?

- Chúng ta chỉ chuẩn bị cho thu hút đầu tư mà không chuẩn bị cho con người. Đấy là "du thủ du thực" về phương diện văn hóa công nghiệp. Trong tất cả câu chuyện đón lõng đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến yếu tố giáo dục con người.

Chúng ta đừng quên rằng người ta cần tìm kiếm là con người có giáo dục, có năng lực nghề nghiệp. Việt Nam không đủ điều kiện để quyến rũ các công ty ồ ạt chạy vào, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ. Như trường hợp Apple, nguyên nhân thiếu chỗ ở cho công nhân thì không thể tiến hành sản xuất ở đây được là sự thật đáng buồn! Việc Apple bỏ đi không chọn Việt Nam cho thấy, chúng ta đã chưa thực sự chuẩn bị kỹ "tổ" để đón đại bàng. Nhất là về vấn đề con người.

Việt Nam có lợi thế từ hội nhập và coi đây là cơ sở để thu hút FDI, bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế đang là "cứu cánh" giúp các địa phương kéo được nhà đầu tư vào sản xuất, nhưng trong điều kiện mới, những điều này là chưa đủ hoặc quá cũ? Ông có nhìn nhận gì về vấn đề này?

- Những năm đầu tiên của đầu tư nước ngoài, tôi từng tham dự những lớp tập huấn của các giáo sư người Mỹ tại văn phòng Chính phủ. Có buổi một vị giáo sư hỏi một quan chức cấp Thứ trưởng của Việt Nam: “Trâu bò ở nước các anh thuộc tài sản cố định hay lưu động?”. Vị thứ trưởng trả lời tỉnh bơ là “tài sản lưu động vì nó đi lại và dịch chuyển được"!

Có những lúc ngớ ngẩn như vậy mà chúng ta còn mở cửa và thu hút được các doanh nghiệp FDI thì nay chúng ta đã khác rồi, tại sao không kéo họ vào được. Người đòi hỏi chúng ta mở cửa khôn hơn chúng ta nhiều, họ đặt tiền cho chúng ta rồi, họ cần chúng ta làm thật, nghĩ thật. Chúng ta dốt cũng được nhưng phải thật!

Phải đặt Việt Nam trong bối cảnh phải cạnh tranh về chất và lợi thế so sánh với các nước khác. Cạnh tranh tức là anh trình bày cho người ta biết khuynh hướng phát triển tự nhiên của xã hội, ngoài chính trị ra còn lại là cái gì để người ta lường.

Khi làm ăn thì người ta phải lường trước được triển vọng thương mại. Người ta vẫn phải xem chính trị là một rủi ro, nhưng người ta chỉ tính toán rủi ro sau khi đã tính toán lợi ích một cách trung lập.

Việt Nam đặt tham vọng về thu hút các tập đoàn về làm tổ, tuy nhiên Việt Nam thiếu rất nhiều về cơ sở vật chất, logistics, về con người, về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các đại bàng lớn. Sự vụ Apple như "cú sốc" đối với chiến lược thu hút đại bàng của chúng ta?

- Việc chúng ta thiếu nhiều thứ không phải là một bí mật. Vấn đề là chúng ta cần hình dung ra toàn bộ thực tế thiếu ấy. Những người lãnh đạo cần phải tổ chức ra những nhiệm vụ và giao cho xã hội thực hiện để lấp những chỗ thiếu ấy. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải bình tĩnh suy nghĩ lại xem chúng ta cần chuẩn bị những gì.

Doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng rất lâu, là một thành tố quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nếu trường hợp rủi ro nhất bắt buộc phải chọn lựa, họ có thể chọn một bên và gạt quyền lợi của Việt Nam sang một bên khác, lúc đó nền kinh tế của chúng ta sẽ khó khăn?

- Dân tộc Việt Nam sẽ gạt bỏ doanh nghiệp ấy, cho dù doanh nghiệp ấy là ai. Như bạn biết, chúng ta đã từng gạt bỏ một số doanh nghiệp được coi là mũi nhọn, trở thành quả đấm thép trước đây thôi. Không có doanh nghiệp nào không thể thay thế và không chấp nhận việc các doanh nghiệp đánh đổi quyền lợi dân tộc Việt Nam với quyền lợi kinh tế được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm