Chuỗi Món Huế đóng cửa: Nhận vốn "khủng" vẫn thất bại, đâu là nguyên nhân?

(Dân trí) - “Mổ xẻ” nguyên nhân thất bại của chuỗi Món Huế, theo các chuyên gia, ngoài khả năng xuất phát từ vấn đề quản lý, hiệu quả kinh doanh, cũng cần làm rõ đường đi dòng vốn và liệu có chuyện vốn “ảo” hay không.

Chuỗi Món Huế đóng cửa: Nhận vốn khủng vẫn thất bại, đâu là nguyên nhân? - 1

Cửa hàng Món Huế đóng cửa nhưng không thông báo rõ lý do khiến nhiều nhà cung cấp hoang mang. Ảnh: N.Mạnh.

Vì đâu thất bại?

Mới đây, thông tin chuỗi nhà hàng Món Huế đột ngột đóng cửa không tuyên bố lý do thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đáng lưu ý, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng này cũng bị “tố” nợ hàng loạt nhà cung ứng nguyên liệu với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhà cung cấp nguyên vật liệu căng băng rôn đòi nợ Món Huế.

Rất nhiều thực khách từng ăn ở nhà hàng lập tức lên tiếng cho rằng việc Món Huế đóng cửa là việc khó tránh. Bởi món ăn không đặc biệt, thậm chí có những sản phẩm bị đánh giá kém nhưng giá lại cao.

Theo ghi nhận của Dân trí, trên trang mạng xã hội của Món Huế, khá nhiều bình luận không tích cực liên quan đến chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ.

Cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ ra chi phí quá cao (chủ yếu là chi phí thuê mặt bằng) trong khi các món ăn chủ yếu là bình dân nên khó cạnh tranh.

Theo tìm hiểu của PV, khoản chi phí bán hàng của Món Huế quá cao, chiếm từ 80 đến 90% doanh thu (năm 2017 và 2018). Có thể thấy hệ thống Món Huế thường chọn những mặt bằng ở vị trí đắc địa với diện tích rộng.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, danh sách các nhà cung cấp đã nộp đơn tố cáo Công ty Huy Việt Nam (chủ sở hữu nhà hàng Món Huế) cho Công an phường Cô Giang (quận 1, TPHCM) tiếp tục nối dài. Đại diện công an phường cho biết đã tiếp nhận và sẽ chuyển cho Công an quận 1 để giải quyết theo đúng trình tự.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Minh Anh – Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho rằng, nếu nguyên nhân chuỗi nhà hàng này đóng cửa bắt nguồn từ việc mất khả năng thanh toán do tình trạng kinh doanh sa sút, làm ăn thua lỗ thì các chủ nợ có thể nộp đơn khởi kiện ra toà để đòi lại quyền lợi.

Còn trong trường hợp các chủ nợ có bằng chứng, chứng minh được các cá nhân cụ thể có dấu hiệu nhân danh nhà hàng Món Huế cố tình chiếm đoạt tài sản thì lúc này, các chủ nợ có thể tố cáo các cá nhân đó ra cơ quan công an để xem xét dấu hiệu hình sự.

Trong vụ việc này, luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng, cần xem xét kỹ hai khía cạnh: Đầu tiên phải xem là vốn công ty mẹ, công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế có thực sự minh bạch hay chỉ là vốn ảo.

Được biết đến cuối năm 2018, chuỗi nhà hàng Món Huế báo lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên Công ty Huy Việt Nam thì vẫn có vốn chủ sở hữu khá lớn, lên đến gần 600 tỷ đồng, tức là vẫn có thể vận hành hoạt động thêm nhiều năm nữa cũng như trả nợ các nhà cung cấp.

“Nếu đúng ra chưa thể hết ngốn vốn chủ sở hữu thì chẳng hiểu sao phải nợ vài chục tỷ đồng rồi đóng cửa không lý do như vậy. Trong vụ việc này, cần làm rõ được dòng tiền họ đi đâu. Nếu có tình tiết trốn tránh, gian dối thì cần xem xét dấu hiệu hình sự.

Còn nếu dòng vốn minh bạch, không có gian dối trong sử dụng vốn, thất bại do không tính toán, thuê mặt bằng quá sang trọng quá nhưng hoạt đông kém hiệu quả… thì các nhà cung cấp có thể khởi kiện ra toà”, luật sư Nguyễn Minh Anh nói.

Trao đổi thêm, ông Nguyễn Minh Anh cho biết, hiện nay trên thị trường nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng kinh doanh chỉ là phương tiện thu hút vốn, không phải mục đích chính.

“Dân mở theo chuỗi họ tính rất chắc chắn về tài chính. Họ cũng thường làm theo cách nhượng quyền. Nếu nhượng quyền thì từng cửa hàng sẽ là những nhà đầu tư nhỏ, mô hình mở rộng như vậy không bị lo về vốn, giám sát quản lý. Ít ai bỏ tiền ra làm hết, mở đến mấy trăm cửa hàng”, ông Nguyễn Minh Anh nhấn mạnh.

Từng nhận vốn "khủng", nay nợ cả những món vài triệu đồng

Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia khi bình luận về trường hợp của Món Huế cho rằng: Chuỗi Món Huế này được đầu tư vốn lơn với 30 triệu USD, số lượng cửa hàng nhiều và một số cửa hàng rất đông khách. Tuy nhiên vẫn “chết” vì các nguyên do bề nổi có thể khá dễ nhận thấy như sản phẩm cốt lõi kém, mở ồ ạt nên số cửa hàng không hiệu quả quá cao, tỷ số giữa cửa hàng phải đóng và cửa hàng mở mới ở mức báo động; quản trị kém, nhất là mua hàng và quản lý nội bộ; marketing và quản trị thương hiệu không xứng tầm với việc làm một chuỗi lớn…

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam, công ty điều hành chuỗi nhà hàng Món Huế được thành lập năm 2006 và là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Công ty đang điều hành hơn 200 nhà hàng trên toàn Việt Nam, bao gồm các thương hiệu nổi tiếng Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh Mì & Cafe, Phở 99, Great Banhmi & Cafe, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster…

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, nhận 30 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B).

Trong lễ động thổ dự án nhà máy chế biến thực phẩm Huy Việt Nam với quy mô 26 triệu USD, lãnh đạo công ty này từng khẳng định định hướng trở thành công ty chế biến thực phẩm và nhà hàng tự cung cấp thực phẩm lớn nhất Việt Nam, và mở rộng thị trường ra các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Trung Quốc, Malaysia, Philippines…

Năm 2015, Huy Việt Nam cũng từng nộp hồ sơ xin niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông, dự kiến huy động được 100 triệu USD qua nhiều đợt. Nhưng kết cục, doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ nần.

Theo thống kê sơ bộ từ 28 nhà cung cấp, hệ thống Món Huế đang nợ các doanh nghiệp này tổng số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Trong số này, có những đơn vị cung cấp đá lạnh bị nợ vài triệu đồng, đơn vị cung cấp chanh tươi với hơn 24 triệu đồng.

Nguyễn Mạnh

Chuỗi Món Huế đóng cửa: Nhận vốn khủng vẫn thất bại, đâu là nguyên nhân? - 2