1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Chúng tôi sắp vỡ nợ” - Nỗi khổ của công nhân nhập cư Hồ Bắc tại Trung Quốc

(Dân trí) - Tất cả các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus corona đều được thực hiện. Điều đó đã khiến gần 60 triệu người dân ở tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc không thể đi ra ngoài.

“Chúng tôi sắp vỡ nợ” - Nỗi khổ của công nhân nhập cư Hồ Bắc tại Trung Quốc - 1
Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc và là tâm điểm của sự bùng phát virus corona, đã bị phong tỏa từ tháng 1/2020. Ảnh minh họa: Brian Wang

Trong số đó, có nhiều người lao động nhập cư ở nông thôn và họ đang phải vật lộn từng ngày để trả nợ vì lệnh cấm di chuyển khiến họ không thể quay trở lại các công ty làm việc được.

Bị mắc kẹt vì không được đi ra ngoài và không thể trở lại làm việc, Cao Xier là một trong hàng triệu người đang phải vật lộn với thu nhập và nợ cá nhân ngày càng tăng ở Trung Quốc.

Giống như những người lao động nhập cư nông thôn khác từ tỉnh Hồ Bắc, Cao và gia đình trở về quê nhà vào dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 và đã bị mắc kẹt tại đây khi các nhà chức trách thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona, bao gồm hạn chế việc đi lại, để kiểm soát virus.

Cao nói rằng: “Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ trải qua sự hoảng loạn như thế này. Anh rể của tôi nói rằng nếu các quan chức không cho chúng tôi đi trở lại làm việc vào đầu tháng 4 thì anh ta sẽ cố gắng trốn thoát vì nếu không đi làm, anh sẽ không có thu nhập để nuôi gia đình hoặc trả các khoản vay. Vấn đề này cũng khủng khiếp giống như bị nhiễm virus vậy.”

Virus corona, đã lây nhiễm hơn 80.000 người và giết chết hơn 3.200 người ở Trung Quốc, nó đã khiến Trung Quốc phải hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng kể từ cuối tháng 1 và khiến nền kinh tế lao dốc trong hai tháng đầu năm.

Theo công ty nghiên cứu Trivium Trung Quốc, hơn 90% các công ty lớn ở nước này đã hoạt động trở lại, nhưng chỉ dưới 70% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã quay trở lại.

Trong khi các cửa hàng và nhà máy trên khắp đất nước đã bắt đầu mở cửa trở lại thì gần 60 triệu người tại Hồ Bắc vẫn không thể tự do di chuyển và quay trở lại làm việc.

Hy vọng của nhiều người tỉnh Hồ Bắc, bao gồm cả Cao, đã nhem nhóm dấy lên trong một khoảng thời gian ngắn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán - tâm chấn ban đầu của vụ dịch vào tuần trước, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy người lao động nhập cư sẽ có thể trở lại làm việc.

Tài xế xe tải 36 tuổi Zhang Liang, đến từ thành phố Jingshan ở Hồ Bắc, người đang chìm trong nợ nần sau khi mua một chiếc xe tải cho doanh nghiệp của mình cho biết: “Chúng tôi rất tức giận trước quyết định của chính quyền.”

“Chúng tôi đều khỏe mạnh, nhưng tất cả chúng tôi đều bị mắc kẹt ở nhà. Chính phủ đã đóng cửa các con đường nhưng không cung cấp hỗ trợ hay bồi thường cho những mất mát của chúng tôi.”

Zhang cho biết mẹ vợ của anh đã bị kẹt ở Vũ Hán kể từ ngày 23 tháng 1 sau khi nhận công việc người giúp việc bán thời gian cho các gia đình trung lưu. Anh buồn rầu tâm sự: “Mẹ tôi đã ở trong một quán trọ nhỏ hơn 40 ngày. Mức giá để thuê trọ tại đó là 80 nhân dân tệ (11 USD) mỗi ngày, bà ấy đã sợ hãi và khóc mỗi ngày. Vợ tôi và tôi đều tự trách mình - nếu không phải vì khoản nợ nặng nề của chúng tôi thì mẹ tôi sẽ không bao giờ đến Vũ Hán.”

Đối với Cao, người làm việc mệt mỏi hàng giờ tại một công ty ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông - một trong những trung tâm kinh tế của đất liền cách Vũ Hán 1.200km, anh nói: “căng thẳng tài chính đang bắt đầu gia tăng.”

Không có thu nhập, nhưng anh vẫn phải dùng đến thẻ tín dụng của mình để thanh toán hàng tháng 3.000 nhân dân tệ (tương đương 428 USD) cho chiếc xe mà anh mua nợ vào tháng 10 năm 2018.

Và đó là một câu chuyện tương tự đối với chị gái của anh ấy, người cùng với chồng đã không thể trở lại với công việc của mình ở Đông Quan. Vợ chồng chị gái của Cao sở hữu căn hộ ba phòng ngủ ở Tô Châu và phải nuôi hai con gái cùng ba người già trong gia đình, đã phải vay 5.000 nhân dân tệ (713 USD) từ Cao để trả cho khoản thanh toán thế chấp vào tháng tới.

Gia đình chị gái Cao đã lên kế hoạch rời Hồ Bắc đến Quảng Đông vào tuần đầu tiên của tháng 2, nhưng lệnh cấm đi lại đã khiến họ bị mắc kẹt và không có một đồng thu nhập nào trong 2 tháng qua.

Cao và em gái của anh ta là điển hình của những người di cư nông thôn trẻ tuổi trên khắp đất nước, nhiều người trong số họ đang có những khoản nợ cá nhân đáng kể khiến họ dễ bị ảnh hưởng trước những gián đoạn kinh tế lớn.

Cao nói rằng: “Nói chung, tất cả những người trẻ tuổi trong làng của chúng tôi đều mắc nợ, vì một căn hộ, một phương tiện đi lại hoặc chỉ là một chiếc điện thoại thông minh.”

Trên khắp Trung Quốc, tỷ lệ nợ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội - được gọi là tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình - đã tăng với tốc độ kỷ lục từ 17,9% vào cuối năm 2008 lên 52,1% vào năm 2018 và 55,8% vào năm ngoái, theo nhà cung cấp dữ liệu CEIC.

Đại dịch corona là một rủi ro cực kỳ lớn đối với những người lao động nhập cư đã mua bất động sản bằng các khoản vay, Simon Zhao, phó trưởng khoa của khoa học xã hội và nhân văn của trường đại học quốc tế Hoa Kỳ BNU-HKBU cho biết.

“Vấn đề quay trở lại làm việc để gia tăng nguồn thu nhập đối với những người lao động nông thôn là rất quan trọng - một số lượng lớn dân cư nông thôn đổ xô đi vay tiền để mua nhà ngay cả khi họ không thể thực sự mua được chúng”, ông Zhao nói.

Nếu dịch bệnh trong nước và toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường việc làm Trung Quốc thì sẽ có rủi ro rất lớn đối với thị trường bất động sản trong nước.

280 triệu người lao động nhập cư của Trung Quốc thường nghỉ từ hai đến ba tuần ở quê nhà trong thời gian Tết Nguyên đán, và quay trở lại làm việc tại các nhà máy trong 11 tháng còn lại. Họ chỉ nghỉ một ngày trong tuần và hầu hết làm việc từ hai đến bốn giờ làm thêm mỗi ngày trong suốt mùa hè để tăng thu nhập.

Nhưng hiện nay, rất nhiều người ở Hồ Bắc đã không thể quay trở lại với công việc của mình, điều đó khiến họ ngày càng trở nên bi quan.

Mặc dù chưa có con số chính thức nào về tổng thiệt hại thu nhập trên toàn quốc, nhưng các nhà kinh tế cho rằng lực lượng lao động di cư của Trung Quốc là những người dễ bị tổn thương nhất trước sự gián đoạn này.

Ernan Cui, nhà phân tích Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, một chuyên gia tư vấn, ước tính rằng đại dịch corona có thể khiến công nhân nhập cư của Trung Quốc bị thiệt hại 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD) tiền lương.

Trong hai tháng qua, mọi quận, mọi thị trấn và mọi ngôi làng trên khắp Hồ Bắc đều hoang vắng và im lặng, với tất cả các con đường bị chặn và bảo vệ cả ngày lẫn đêm, theo Gao Minghui, 28 tuổi, sống ở quận Nanzhang trong tỉnh.

Cô Gao còn nói thêm rằng: “Tất cả chúng tôi đều sống trong sợ hãi. Chắc chắn tôi sẽ thất nghiệp khi trở về Thâm Quyến vì thẩm mỹ viện tôi làm việc đã đóng cửa. Nhưng tôi vẫn phải trả 3.800 nhân dân tệ (542 USD) hàng tháng cho căn hộ mà mình đang thuê.”

Gao nói trong sự tuyệt vọng: “Những người trẻ tuổi trong làng chúng tôi đều muốn được ra ngoài làm việc. Mọi lương thực dự trữ trong nhà đã sắp cạn kiệt. Chúng tôi đã hết sạch tiền và sắp phá sản!”

Thùy Dung

Theo SCMP