Ông chủ nhận "trái đắng" vì khởi nghiệp đúng mùa... dịch!

(Dân trí) - Ấp ủ 2 năm trời mới đưa ra quyết định khởi nghiệp, nhưng không ít người đã nhận trái đắng vì chọn sai thời điểm.

Chủ quán mang cả nồi lẩu đến nhà cho khách

Thay vì ngồi chờ đợi khách tới thì nhiều quán ăn, nhà hàng đã bán lẩu online. Khách hàng chỉ việc gọi điện và chọn món, sẽ có người đến tận cửa giao hàng.

Ông chủ nhận trái đắng vì khởi nghiệp đúng mùa... dịch! - 1

Lẩu online

Hiện đang đóng cửa nhà hàng do dịch bệnh, nhưng theo chủ một nhà hàng thì, bếp và nhân viên vẫn làm việc. Thay vì chạy bàn thì nhân viên sẽ quảng cáo và giao hàng cho khách trong các hội nhóm để bán lẩu online.

Cũng theo chủ nhà hàng này, bán lẩu online có thể bán nhiều hơn so với tại quán. Tuy không nhiều, nhưng khách sẽ mua thêm đồ để tránh việc đang ăn ngon thì hết món. Các nhà hàng này cũng sẵn sàng cho thuê cả bát đũa, nồi lẩu nếu như khách không có.

Bán thịt lợn bận rộn nhất mùa dịch

Theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn, từ sau Tết, mặt hàng này bán khá chậm. Vì giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Nhưng sau khi Hà Nội có bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên, sức tiêu thụ bắt đầu tăng.

Đặc biệt, vài ngày gần đây khi người dân được khuyến cáo nên ở nhà nhiều hơn, thì mặt hàng thực phẩm như thịt lợn bán rất đắt hàng. Các loại thịt dễ chế biến như nạc vai, ba chỉ, xương sườn luôn hết trước.

“Thậm chí, 2 ngày gần đây, tôi dọn hàng từ 3 giờ chiều nhưng chỉ đến hơn 4 giờ là các mặt hàng trên đã bán hết. Khách không mua theo lạng mà chuyển sang mua theo cân”, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn chia sẻ và thông tin thêm, lượng tiêu thụ cũng tăng từ 1,2 tạ lên 2 tạ mỗi ngày.

Hàng quán tỉnh lẻ đông bất ngờ

Mùa dịch này, dù rất hạn chế ra ngoài nhưng do bạn bè ở nhà đông, nên nhiều bạn trẻ vẫn thường rủ nhau ra các quán cà phê, trà sữa hay quán ăn vặt. Ban ngày thì các quán này bán online, tối đến khách còn đông hơn dịp bình thường. 

Theo chủ một quán trà sữa tại thành phố Hải Dương thì, sau Tết lượng đơn online tăng hơn trước. Buổi tối, cũng ghi nhận lượng khách tới đông hơn vào ngày thường.

Trà sữa thường chỉ phục vụ đối tượng là người trẻ. Bình thường, chỉ có các bạn học sinh thường xuyên mua đồ tại quán, nhưng mùa dịch lại có thêm cả sinh viên. Đối tượng khách hàng này có kinh tế nên thường tụ tập hơn. Các bạn trẻ ở nhà quá nhiều nên cảm thấy bí bách. Do đó, buổi tối là thời điểm tụ tập tại các hàng quán.

"Bạc tóc" vì trót khởi nghiệp đúng vào mùa dịch

Không ít người đã trở thành "nạn nhân" bất đắc dĩ trong mùa dịch Covid - 19. Bởi ngày hôm trước vừa là ông chủ công ty khởi nghiệp, thì hôm sau vô tình biến thành con nợ gánh lãi theo ngày.

Ông chủ nhận trái đắng vì khởi nghiệp đúng mùa... dịch! - 2

Khởi nghiệp mùa Covid-19

Theo đó, chủ một studio đã bỏ số tiền 200 triệu đồng đầu tư mở studio, mua thiết bị, máy móc.  Thế nhưng chỉ vài ngày khi Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, toàn bộ khách đặt phòng, đặt tour du lịch phát tuyên bố “nghỉ chơi” khiến người này trắng tay, ngã ngựa ngay từ phút đầu.

“Tôi đã mất 2 năm để ấp ủ, 6 tháng ươm mầm cho dự án khởi nghiệp. Có bao nhiều tiền tôi đều dốc hết vào dự án, số còn lại chắc chỉ đủ để tôi cầm cự, đổ tiền xăng qua ngày” – chủ studio trải lòng.

Vài chục nghìn đồng cho bộ đồ phòng dịch Covid-19

Theo lời giới thiệu người bán đồ bảo hộ, khách chỉ cần mặc đủ combo thì sẽ phòng chống được dịch Covid-19. Bộ đồ được làm từ vải không dệt nên khi mặc vào khá nhẹ, thoáng mát, không gây bí hơi cho người dùng. Không những thế, bộ đồ còn có thể tái sử dụng 3-5 lần và dễ dàng phân hủy trong tự nhiên .

Giá bán hiện áp dụng cho combo chống dịch gồm 7 món là quần, áo, kính, găng tay, mũ, giày là 130.000 đồng/bộ. Nếu khách lấy trên 20 sản phẩm thì giá sẽ còn 99.000 đồng/bộ, trên 50 sản phẩm là 90.000 đồng/bộ. Ngoài ra, tiệm còn nhận gom hàng với số lượng lớn, khách cần bao nhiêu cũng có thể đáp ứng.

Trước đây, đồ bảo hộ thường hay bán lẻ từng món, nhưng từ khi thấy khách hỏi nhiều nên chuyển sang đóng thành combo.

 Thế Hưng