Chứng khoán nửa cuối năm có xứng đáng là kênh để xuống tiền?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - SSI Research cho rằng trong ngắn hạn, sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn.

Thị trường có khả năng duy trì xu hướng tăng

Thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng vừa qua ghi nhận nhiều trạng thái đan xen.

Nếu 3 tháng đầu năm, thị trường có nhiều tin tức tích cực với mức tăng ấn tượng, xuất hiện dấu hiệu chốt lời thì quý II có phần ảm đạm hơn. Điều này đến từ diễn biến tăng trưởng tín dụng chưa có dấu hiệu tăng tốc, gây áp lực lên lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý II, từ đó hạn chế sự tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của VN-Index.

Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Mirae Asset nêu đóng cửa tháng 6, VN-Index vẫn chưa sẵn sàng vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, đóng cửa ở mức 1.245,32 và kéo dài đà giảm trong quý II lên gần 39 điểm.

VN-Index hiện giao dịch dưới tỷ lệ P/E (đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) trung bình 10 năm, tạo thêm dư địa cho đà tăng ở nửa cuối năm. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần có những câu chuyện mới để hiện thực hóa vùng giá mục tiêu này.

VN-Index vẫn có khả năng duy trì xu hướng tăng, nhắm đến phạm vi 1.320-1.340 điểm, tương ứng với tỷ lệ P/E trung bình 10 năm.

Chứng khoán nửa cuối năm có xứng đáng là kênh để xuống tiền? - 1

VN-Index vẫn chưa vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.300 điểm (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Cũng theo đơn vị này, động lực thúc đẩy tăng trưởng dự kiến sẽ kém mạnh mẽ hơn, giá có khả năng sẽ dao động trong biên độ lớn, dẫn đến một chu kỳ đi ngang và tích lũy.

Xu hướng này được dự đoán sẽ kéo dài đến giữa tháng 7, khi thị trường bước vào giai đoạn vùng trống thông tin và tâm lý giao dịch chung sẽ có phần thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II.

Nhà đầu tư cần theo dõi tăng trưởng tín dụng, tình hình xuất và nhập khẩu trong nửa cuối năm. Về tín dụng, lãi suất cho vay hiện tại không phải là rào cản chính mà vấn đề khó khăn hơn là nhu cầu tín dụng, khi các ngân hàng đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Người tiêu dùng và doanh nghiệp cảm thấy nền kinh tế không đủ mạnh để đảm bảo các khoản vay mới dành cho tiêu dùng và đầu tư. Ngược lại, các ngân hàng thương mại chịu áp lực từ nợ xấu gia tăng, khiến việc nới lỏng điều kiện cho vay trở nên khó khăn. Công ty dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm. 

Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu là động lực chính của tăng trưởng GDP trong năm nay. Đơn vị này kỳ vọng xuất khẩu sẽ lấy lại đà tăng trong những tháng tới, được thúc đẩy bởi việc tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ tháng 5 (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái), có khả năng thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.

Đầu tư công khởi đầu chậm trong nửa đầu năm, với đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 27,51% kế hoạch tổng thể và 29,39% kế hoạch phân bổ của Thủ tướng Chính phủ cho năm nay. Dự đoán, tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc đáng kể trong những tháng tới.

Thận trọng quan sát trong ngắn hạn là cần thiết

Báo cáo chiến lược từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định số liệu vĩ mô quý II và 6 tháng tiếp tục xu hướng hồi phục, đặc biệt ở khu vực sản xuất chế biến chế tạo.

Tăng trưởng GDP đạt và có thể vượt kế hoạch cả năm, khả năng chính sách điều hành sẽ tập trung vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô như tỷ giá và lạm phát trong nửa cuối năm. Lãi suất có thể sẽ tiếp tục đà tăng nhẹ.

Vượt qua các "cơn gió ngược", thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023 và tiếp tục bứt phá về điểm số. Dù đi qua nhịp điều chỉnh ngắn trong tháng 4 và tiếp tục giảm 1,3% trong tháng 6, chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng tích cực 10,2% từ đầu năm.

Chứng khoán nửa cuối năm có xứng đáng là kênh để xuống tiền? - 2

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát là cần thiết (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Về 6 tháng cuối năm nay, bộ phận phân tích này nghiêng về kịch bản thị trường tiếp tục xu hướng tăng trưởng, dù các biến số rủi ro vẫn còn hiện diện và có thể khiến thị trường biến động.

Chỉ số P/E (đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) ước tính năm 2024 của VNIndex hiện ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 13,4 lần.

Với mức định giá này thì "cửa tăng" của VNIndex vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang năm 2025, nhất là khi tình hình kinh tế tiếp tục quá trình hồi phục. SSI Research tiếp tục duy trì mục tiêu 1.300-1.350 điểm cho VN-Index vào cuối năm nay.

Trong danh sách theo dõi của đơn vị, triển vọng tăng trưởng tích cực được ghi nhận ở nhiều mã chứng khoán thuộc các ngành ngân hàng, nhóm thép, nhóm tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu, nhóm cảng và vận tải biển.

Trong ngắn hạn, sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. Đơn vị cho rằng nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân mới; đồng thời có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh.

Nói về thị trường tháng 7, Chứng khoán Yuanta kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt được mức kháng cự 1.300 điểm. Tín hiệu hạ lãi suất trong tháng 9 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index trong quý III. Đồng thời, các dữ liệu vĩ mô tích cực cùng với dữ liệu tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II cũng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong tháng 7.

Đơn vị này cho rằng thị trường chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác kể cả khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng tăng trở lại. Những nhóm cổ phiếu chú ý tháng 7 gồm vận tải, công nghệ, hóa chất, sản xuất thực phẩm, sản xuất dầu khí, dịch vụ tài chính, du lịch và giải trí, ngân hàng và điện.