Chứng khoán lập kỷ lục về số tài khoản nhưng thanh khoản lại "xịt"
(Dân trí) - Thị trường chứng khoán đã thiếu vắng những phiên giao dịch tỷ USD trong nhiều tháng qua. Thanh khoản thị trường ở mức thấp trong bối cảnh VN-Index liên tục ở quanh vùng kháng cự 1.300 điểm.
Vì sao chứng khoán "xịt" thanh khoản?
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10, thị trường chứng khoán có hơn 9 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. Đáng chú ý, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng gần 9 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số. Con số này lớn nhất từ trước đến nay.
Số lượng nhà đầu tư gia tăng nhưng thanh khoản thị trường (giá trị giao dịch) lại duy trì ở mức thấp. Thanh khoản thị trường chứng khoán thậm chí còn đi ngang ở vùng thấp trong suốt 4 tháng qua, thấp hơn mức trung bình từ đầu năm.
Trong tháng 10, giá trị giao dịch bình quân quanh mốc 16.000 tỷ đồng/ngày với chỉ số VN-Index quanh vùng kháng cự 1.300 điểm. Những con số này ở khoảng cách rất xa so với những phiên giao dịch tỷ USD, thậm chí vượt 40.000 tỷ đồng mà thị trường đã từng thiết lập cho vùng 1.500 điểm.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank - cho rằng thanh khoản đi xuống do yếu tố tiền rẻ không còn nữa.
Theo thống kê, những giai đoạn mà thế giới bơm tiền, giảm lãi suất về nền thấp, đặc biệt giai đoạn 2007-2008 và gần nhất 2020-2021 thì dòng tiền có xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán rất nhiều. Kể từ năm 2022 đến giữa 2023, Fed tăng lãi suất thì các kênh đầu tư đều gặp khó khăn.
Tại Việt Nam, thanh khoản giảm mạnh từ năm 2023 và bắt đầu tăng từ giữa 2023 đến 2024. Giai đoạn thanh khoản thị trường Việt Nam tăng trở lại đến từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh hơn. Sau 3 lần hạ lãi suất vào giữa 2023, tiền bắt đầu rẻ hơn giúp thanh khoản cải thiện.
Gần đây, thanh khoản giảm do chịu ảnh hưởng của dòng vốn dịch chuyển, dòng vốn nước ngoài bị rút bớt khỏi Việt Nam và khu vực châu Á. Nhà đầu tư cá nhân trong nước chính là lực đỡ giúp thị trường không giảm sâu khi khối ngoại bán ròng đến 3 tỷ USD. Hiện nay, thanh khoản giảm do thị trường đang thiếu vắng các cơ hội đầu tư và cũng cần đáp ứng nhu cầu thanh toán khoản vay, nợ trái phiếu.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Chuyên gia Chứng khoán VPBank cho rằng thanh khoản thị trường về nền thấp trong 2 năm gần đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư. Bởi khi thanh khoản thấp kết hợp chỉ số về vùng hỗ trợ mạnh là một trong dấu hiệu cho thấy nền giá mới được thiết lập.
Khi thanh khoản tạo đáy thì thị trường cũng thường tạo đáy để bắt đầu phục hồi. Trong những giai đoạn thị trường giảm giá và bi quan nhất thì đấy chính là cơ hội lớn nhất.
Trước khó khăn thông tin thế giới, nhiễu động của dòng vốn, nhiều cổ phiếu vẫn neo ở mức giá cao nhất năm nên chỉ cần điều chỉnh về giá sẽ hấp dẫn nhà đầu tư trung, dài hạn vào thị trường. VN-Index ở vùng 1.200 điểm thì nhà đầu tư có thể cân nhắc để mua cho nhịp tăng sắp tới, theo đại diện VPBank.
Còn các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng cơ hội thị trường có thể biến động trong ngắn hạn, từ đó mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý để xây dựng danh mục đầu tư dài hạn.
Nhà đầu tư cũng cân nhắc ưu tiên các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng mạnh và bền vững, vì đây được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục để hạn chế tác động từ các biến động khó lường. Cùng với các biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá trong nước là 2 yếu tố vĩ mô cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản tận dụng sự sụt giảm của thị trường để xây dựng các vị thế dài hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, công nghệ, công nghiệp và dịch vụ tài chính.
Bên cạnh việc đảm bảo có vị thế cho cơ hội tái định giá của thị trường, nhà đầu tư cũng nên giữ sức mua để đối phó với những "cơn gió ngược" tiềm tàng.