Chứng khoán khốc liệt, "tay to" như quỹ của Dragon Capital còn lỗ nặng

Việt Đức

(Dân trí) - Từ vị thế một trong những quỹ mở có hiệu suất đầu tư tốt nhất thị trường, quỹ DCDS của Dragon Capital đã lỗ 13% từ đầu năm đến nay, kết quả tệ hơn cả chỉ số VN-Index.

Từ tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán liên tục đi xuống với nhiều phiên giao dịch đỏ lửa. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index mất 11% giá trị so với hồi đầu năm. 

Diễn biến thị trường chung tiêu cực khiến đông đảo nhà đầu tư cá nhân ngậm ngùi vì thua lỗ. Trong tình cảnh đó, nhiều quỹ đầu tư dù quy tụ các chuyên gia phân tích, giao dịch chuyên nghiệp với nguồn lực lớn cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ.

Theo thống kê của Dân trí, trong 13 quỹ mở lớn trên thị trường bao gồm 11 quỹ cổ phiếu và 2 quỹ cân bằng (phần lớn đầu tư vào cổ phiếu, còn lại là một số tài sản khác như trái phiếu), có đến 8 quỹ thua lỗ nếu tính theo mốc tham chiếu từ đầu năm đến hết tuần giao dịch vừa qua. Cá biệt, có quỹ còn lỗ nặng hơn cả mức giảm của VN-Index. 

Đứng đầu về hiệu quả trong hơn 4 tháng đầu năm lần lượt là 3 quỹ VESAF, VEOF và VIBF do VinaCapital quản lý với mức sinh lợi 2%. Trong đó, VIBF là quỹ cân bằng còn hai quỹ còn lại có toàn bộ danh mục đầu tư vào cổ phiếu. Trong số này, VESAF và VEOF vẫn duy trì phong độ khi đây cũng chính là hai quỹ dẫn đầu về hiệu suất đầu tư trong năm ngoái.

Hai quỹ còn lại có mức sinh lời là TBLF của SGI Capital và VCBF-BCF của Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank. Hai quỹ này cùng có mức sinh lợi 1% từ đầu năm đến nay.

5 quỹ có mức lỗ từ 2% đến 6% gồm SSI-SCA của Công ty quản lý quỹ SSI, BVPF và BVFED của Bảo Việt Fund, VNDAF của VNDirect, MAGEF của Mirae Asset. 

Còn lại 3 quỹ có mức lỗ nặng nhất gồm DCBC, DCDS của Dragon Capital và DFVN-CAF của tập đoàn Dai-ichi Life. Trong đó, quỹ của Dai-ichi Life vốn có hiệu suất đầu tư thuộc nhóm kém hiệu quả trên thị trường. 

Ngược lại, hai quỹ DCBC, DCDS làm nhà đầu tư thất vọng vì Dragon Capital được biết là công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam và bản thân hai quỹ này năm ngoái vẫn nằm trong nhóm hiệu quả nhất thị trường. 

Trong đó, DCDS thậm chí lỗ đến 13%, hiệu suất đầu tư kém hơn cả chỉ số VN-Index. Điều đáng nói, DCDS là quỹ cân bằng khi có một phần tài sản phân bổ vào trái phiếu, tài sản có tính biến động thấp hơn so với cổ phiếu . Theo lý thuyết, trong giai đoạn thị trường rung lắc, quỹ cân bằng phải có khả năng phòng thủ tốt hơn so với quỹ cổ phiếu vốn có mức độ rủi ro cao hơn.

Trong buổi đối thoại trực tuyến do Dragon Capital tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư quỹ DCDS, đã xin lỗi nhà đầu tư về kết quả ngắn hạn vừa qua của quỹ. Ông Long cho biết trong mỗi giai đoạn, mỗi quỹ sẽ có những nhận định khác nhau về thị trường, có chiến lược đầu tư, cách lựa chọn cổ phiếu khác nhau. 

Ông thừa nhận ngoài nguyên nhân khách quan về diễn biến của thị trường, nguyên nhân chủ quan dẫn đến hiệu suất kém khả quan của DCDS thời gian qua là sự lựa chọn ngành nghề và cổ phiếu của quỹ. Dù vậy, ông Long trấn an nhà đầu tư DCDS cũng như DCBC trong quá khứ đều đã vượt qua những biến động của thị trường suốt thời gian dài hạn 5-7 năm. Do đó, quỹ sẽ cố gắng cải thiện hiệu quả đầu tư trong thời gian tới và quan trọng vẫn là kết quả về dài hạn. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Sang Lộc, Trưởng phòng Quản lý Danh mục đầu tư quỹ DCBC, mong nhà đầu tư thông cảm về kết quả 4 tháng đầu năm và cho biết đội ngũ quản lý quỹ đang tích cực cải thiện kết quả, thường xuyên thay đổi liên tục danh mục đầu tư để phù hợp với thị trường, tìm cơ hội sinh lời tốt nhất.

Theo ông, nhóm quản lý quỹ đã đánh giá cụ thể và nhận định hai ngành có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn trong 8 tháng còn lại là bán lẻ và ngân hàng.