"Ông trùm" chứng khoán: Tôi không mua bán kiếm lợi cổ phiếu của chính mình
(Dân trí) - Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết, 18-20 năm nay, ông không kinh doanh mua bán kiếm lợi cổ phiếu của chính mình. Cổ phiếu mà ông có hiện nay được nắm giữ từ những ngày đầu thành lập.
2022 sẽ là cơ hội của những người có dòng tiền mà không vay mượn
Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vừa diễn ra, khi trả lời cổ đông về việc cổ phiếu đang giảm sâu thì Chủ tịch SSI có kế hoạch mua vào cổ phiếu hay không, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI, mã chứng khoán: SSI), cho biết: "Tôi nói nhiều lần rồi, 18-20 năm tôi không kinh doanh mua bán kiếm lợi cổ phiếu của chính mình. Cổ phiếu mà tôi có hiện nay là tôi đã nắm giữ từ những ngày đầu thành lập đến giờ".
Chốt phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu SSI có giá 28.850 đồng/cổ phiếu. Một cổ đông đặt vấn đề vì sao giá cổ phiếu SSI giảm liên tục khi công ty kinh doanh tốt, tăng trưởng cao. Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết: "Đây là một niềm đau nhất và khó khăn nhất với tôi".
Tôi và những người thân trong gia đình tôi chưa bao giờ mua bán bất kỳ cổ phiếu nào mà không công bố, tôi cũng không tham gia "đánh lên" hay "đánh xuống" những cổ phiếu doanh nghiệp mà tôi làm chủ tịch", ông khẳng định. Theo ông, giá cổ phiếu lên xuống là do thị trường: "Tôi cũng thích cổ phiếu lên lắm nhưng nó ngoài khả năng của tôi hay hội đồng quản trị".
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc bị thua lỗ khi đầu tư cổ phiếu SSI, SSI có cách nào "cứu" cổ đông không, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng lặp lại khẳng định: "Chúng tôi chỉ có cách duy nhất là làm mọi thứ minh bạch, an toàn, tận dụng cơ hội thị trường để công ty phát triển tốt, để mọi người nhìn nhận đúng đắn hơn, tham gia thị trường. SSI không thể "cứu" trực tiếp vào mua hay bán cổ phiếu".
Ông cũng cho biết, không chỉ giá cổ phiếu SSI giảm mà xu hướng thị trường giảm chung.
Theo Chủ tịch SSI, thị trường chứng khoán có hai chức năng. Thứ nhất là huy động vốn cho nền kinh tế, chức năng thứ hai là tổ chức giao dịch để tăng thanh khoản của thị trường để nhà đầu tư có thể chủ động được tài sản của mình. Phần thứ cấp, nếu người này mua rẻ thì người khác đã bán rẻ, nếu người khác mua đắt thì người khác đã bán đắt. Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra tiền.
Chính vì vậy, theo ông Hưng, thị trường sẽ có các chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất là khi tiền rẻ được bơm vào, những người nào chấp nhận rủi ro đầu cơ tài sản sẽ thu lợi rất nhiều. Khi tiền rẻ giảm thì lúc đó những tài sản có khả năng sinh lời sẽ trở thành điểm quan trọng để thu lời trong thị trường tài chính.
"Khi vốn trong nước trở nên đắt, thị trường chứng khoán giảm là cơ hội cho các dòng tiền nước ngoài vào để họ có thể tham gia kinh doanh ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn với nhà đầu tư Việt Nam, tất cả phụ thuộc vào quản trị rủi ro, nhận định về tương lai thị trường của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Chính vì nhận định khác nhau nên có người mua sẽ có người bán chứ nếu tất cả cùng nhận định theo một kiểu thì chẳng có ai mua, chẳng có ai bán", ông Hưng nhận định.
Về thị trường năm nay, "ông trùm" chứng khoán Việt cho rằng, cơ hội của năm nay là cơ hội của những người có dòng tiền không vay mượn để mua được tài sản trong khoảng giá để có thể thu lời và thực sự an toàn hơn rất nhiều khi ta "đu đỉnh".
Đừng nhìn nhận cực đoan trái phiếu doanh nghiệp
Tại phiên họp đại hội, ông Nguyễn Duy Hưng cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp - kênh huy động vốn "nóng" thời gian qua.
Ông Hưng cho rằng trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động tốt cho nền kinh tế nếu chúng ta làm tốt quy trình pháp luật, có khả năng đảm bảo an toàn cho trái phiếu, chi trả cho trái phiếu, công ty phát hành trái phiếu không vượt quá mức vốn có, tổ chức sản xuất kinh doanh có khả năng sinh lời vượt lợi tức trái phiếu để giữ được thanh khoản cho nhà đầu tư...
"Tuy nhiên, tất cả điều gì được lạm dụng quá đều trở thành nguy cơ cho nền kinh tế cũng như là nguy cơ cho hệ thống tài chính ngân hàng. Khi trở thành nguy cơ thì cơ quan quản lý Nhà nước cần phải siết lại, đâu đấy cũng là một việc chính đáng", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không thể vì một vài trường hợp không tốt mà đánh giá về toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó sẽ không công bằng với trái phiếu doanh nghiệp hay các công ty bất động sản.
Ông nhấn mạnh thêm trái phiếu doanh nghiệp là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp huy động vốn sản xuất kinh doanh. Đưa ra biện pháp kiểm soát để kênh trái phiếu không bị lợi dụng là điều cần thiết song cũng không nên nhìn nhận cực đoan trái phiếu doanh nghiệp là một thứ gì đó "nguy hiểm, rủi ro".
Cũng theo ông Hưng, việc cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức trung gian cần làm là kiểm soát để người phát hành không thể làm bậy, lừa đảo hay gây rủi ro cho nhà đầu tư. Theo đó, cần có sự tham gia của các công ty định mức tín nhiệm cùng trách nhiệm của các công ty chứng khoán cần được quy định rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của người dân. Ngoài ra, cần sớm xây dựng môi trường mua bán thứ cấp, tạo thanh khoản cho người cần rút vốn.
"Đấy mới là mục tiêu cần hướng đến, chứ không phải chặn đứt, cấm không cho làm. Chúng tôi chỉ là một thành viên của thị trường. Chúng tôi cũng chỉ tham gia một phần ý kiến. Không phải không cho mua là bảo vệ nhà đầu tư. Tư duy làm luật cần là bảo vệ lợi ích và cả quyền chủ động của nhà đầu tư trong việc đầu tư trái phiếu", ông nhấn mạnh.
Hiện Nghị định sửa đổi Nghị định 153 vẫn đang là dự thảo, do vậy ông Hưng cho rằng chưa thể đánh giá ngay tác động của việc siết trái phiếu doanh nghiệp. "SSI với vai trò một thành viên thị trường tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo trên tinh thần xây dựng thị trường trái phiếu lành mạnh, là kênh huy động vốn tốt cho các doanh nghiệp", ông Hưng nói.