Chứng khoán giảm thảm khốc, nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh này chính là cơ hội vô cùng lớn và chỉ xuất hiện 1-2 lần trong năm. Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để đạt lợi nhuận trung và dài hạn rất cao.
Chứng khoán "rơi" mạnh vì nhiều nguyên nhân
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 26/10 thực sự là nỗi ám ảnh khó quên của giới đầu tư. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 46 điểm, tương đương giảm gần 4,2%, cũng được xem là chỉ số giảm mạnh nhất thế giới.
Chỉ trong vòng 3 tuần, VN-Index đã giảm 200 điểm, tương đương mức giảm gần 16%. Thị trường chứng khoán "nhuộm đỏ", nhà đầu tư gần như bị quét sạch thành quả. Thậm chí nếu nhà đầu tư sử dụng các khoản vay từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu (margin), tình hình có thể còn tệ hơn.
Theo nhận định của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp với phóng viên Dân trí, phiên rơi mạnh của thị trường chứng khoán ngày 26/10 là diễn biến tất yếu. Thị trường đã không vượt qua được những ngưỡng kỹ thuật quan trọng. Thực tế khi thị trường dừng bước trước vùng 1.250 điểm thì đã cho thấy dấu hiệu tạo mô hình 2 đỉnh, sau đó thị trường rơi với thanh khoản co hẹp dần.
Diễn biến thị trường cho thấy sự phản ứng của nhà đầu tư trước các tin tức vĩ mô như chiến tranh Trung Đông hay việc Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao và câu chuyện tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện những biện pháp hút ròng. Dòng tiền rút ra, thanh khoản thị trường thấp.
Do vậy, khi VN-Index không giữ được mốc MA200 (ngưỡng quan trọng ở 1.110 -1.115 điểm), các nhà đầu tư lo ngại đã phải bán tháo cổ phiếu.
"Mặc dù sau đó có dấu hiệu hồi phục nhưng MA200 trở thành ngưỡng kháng cự mạnh, dòng tiền không vào. Cho nên, phiên hôm qua dù VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ nhưng đã đưa đến một thông điệp cho nhà đầu tư rằng, nếu không thể vượt qua được MA200 thì xu hướng hồi phục đã gãy. Bởi vậy, diễn biến giảm như phiên 26/10 là điều trước sau cũng sẽ đến", ông Điệp phân tích.
Về biên độ giảm sâu tới 4,2% của VN-Index, ngoài yếu tố kỹ thuật như trên, theo chuyên gia, còn bởi tổng hợp nhiều yếu tố hội tụ. Chẳng hạn là thông tin về lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng cao thể hiện dòng tiền đang dần rút khỏi các kênh đầu tư có tính rủi ro lớn như chứng khoán để chuyển sang các kênh an toàn hơn, đồng thời thể hiện hàm ý việc Fed giữ lãi suất cao sẽ còn kéo dài.
Cùng với đó là thông tin lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh khiến nhà đầu tư lo ngại cơ hội nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như kỳ vọng về dòng tiền rẻ đã khép lại. Đặc biệt là sáng 26/10 xuất hiện thông tin phát hành trái phiếu của Vingroup mà theo tính toán thì giá chuyển đổi của cổ phiếu VHM còn thấp hơn cả mức giá sàn của ngày 26/10.
Cổ phiếu nhóm Vin có thể coi là tác nhân khiến thị trường giảm mạnh do vốn hóa cao, nhưng không phải là tất cả. Ông Điệp nhấn mạnh: "Thị trường cần có phiên giảm điểm để phản ánh những vấn đề liên quan đến tin tức vĩ mô, liên quan đến dòng tiền… Kể cả khi VN-Index giảm tới hơn 50 điểm trong phiên 26/10 thì diễn biến cũng không quá bất ngờ!".
Nói với phóng viên Dân trí, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank - cho rằng thị trường có nhiều lý do để dẫn tới phiên giao dịch đỏ lửa như phiên 26/10.
Ông Khánh phân tích, xu hướng thị trường 2 tháng trở lại đây đã giảm và giờ chỉ tiếp nối nhịp giảm đó. Nhà đầu tư có thể bất ngờ vì thị trường giảm mạnh, giảm từ đầu phiên nhưng họ quên mất từ đầu năm tới nay, thị trường từng có một phiên giảm tới hơn 50 điểm, thanh khoản cao nhất lịch sử 23 năm.
Thứ hai, thị trường đã mất mốc 1.100 điểm - mốc hỗ trợ quan trọng. Nếu 16 năm trước, 1.100 điểm là mốc kháng cự thì 16 năm sau, đây là mốc hỗ trợ. Khi mất đi vùng đỡ giá, thị trường sẽ xuất hiện force-sell (bán giải chấp), call margin (gọi ký quỹ).
Thông thường, các cổ phiếu có margin cao trong nhóm cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu của các công ty lớn, các công ty đầu ngành) bị ảnh hưởng đầu tiên khi có biến động nên kéo thị trường giảm theo. Nhiều cổ phiếu blue-chip phiên 26/10 đã giảm điểm, như "họ nhà Vin", MSN (Masan) hay FPT...
Một lý do khác là tiền mặt ở các công ty chứng khoán cũng cao, lượng tiền chưa giải ngân nhiều (khoảng 77.000 tỷ đồng) nên tư thế phòng thủ nhiều. Thị trường bị ảnh hưởng bởi tâm thế này.
Ông Khánh còn chỉ ra nhiều nguyên nhân khác liên quan tới đồng USD tăng mạnh trong thời gian gần đây, dòng tiền trên thế giới và cả Việt Nam đều tìm nơi trú ẩn an toàn.
Một chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần HoSE cho rằng thông tin Vingroup phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu VHM với lãi suất từ 9,5% đến 10%/năm, trả hàng quý và được tính bằng đồng USD đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường.
Nhà đầu tư cũng có thể lo lắng về thị trường chung, doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra nước ngoài có thể gặp khó khăn, với mức lãi suất cao.
Thị trường hôm 26/10 cũng ghi nhận khối ngoại bán rất quyết tâm ngay từ đầu phiên, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trong nước. Với diễn biến thị trường giảm mạnh, ngày mai (27/10), ông này cho rằng chắc chắn có force-sell (bán giải chấp cổ phiếu - là trạng thái khi tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vi phạm chạm mức margin tối thiểu, khi đó công ty chứng khoán sẽ bán giải chấp cổ phiếu trong tài khoản đó), một số công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới khách hàng về việc xử lý margin.
Một số nguyên nhân khác khiến thị trường giảm điểm diện rộng, như chiến sự, lãi suất ở Mỹ neo cao nhất 22 năm...
Thị trường sẽ ra sao, nhà đầu tư nên làm gì?
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, VN-Index có thể về dưới 1.000 điểm, nhưng xác suất cho kịch bản này là không cao. Nhiều khả năng chỉ số sẽ cân bằng tại vùng 1.030-1.050 điểm. Vị chuyên gia cũng lưu ý đầu tháng 11, Fed sẽ họp và xác định định hướng điều hành lãi suất. Nếu lãi suất không tăng tiếp thì có thể thị trường chứng khoán sẽ kết thúc nhịp điều chỉnh.
Ông Điệp cho hay, thị trường chứng khoán được cấu thành bởi 3 đại lượng cốt lõi. Thứ nhất là chính sách (đang ổn định và tích cực, khó có chuyện đảo chiều sang thắt chặt). Thứ hai là định giá (đang hấp dẫn), thứ ba cũng là dòng tiền (yếu tố quan trọng nhất).
Với 77.000 tỷ đồng đang chờ ở các công ty chứng khoán, ông Điệp đánh giá, đây là cơ hội rất lớn cho thị trường trong bối cảnh không có kênh đầu tư nào khả quan hơn chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Chính vì vậy, chuyên gia này đánh giá, nhịp điều chỉnh này chính là cơ hội "vô cùng lớn" và chỉ xuất hiện 1-2 lần trong năm. Nếu nhà đầu tư có thể tận dụng tốt cơ hội, tham gia đúng nhịp khi thị trường lấy được điểm thăng bằng thì có thể đạt lợi nhuận trung và dài hạn rất cao.
Ông Điệp cũng đưa ra lời khuyên cho những nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao, việc bán tháo tại thời điểm hiện tại đã quá muộn nên cần chờ những phiên hồi phục kỹ thuật để hạ tỷ trọng. Còn với những nhà đầu tư có tiền mặt lớn có thể chờ thêm cơ hội giải ngân ở vùng giá hấp dẫn hơn và có thể bắt đầu thăm dò ngay trong phiên tiếp theo.
Còn ông Phan Dũng Khánh thì cho rằng với nhà đầu tư ngắn hạn, bị "kẹp hàng" thì cần bán cổ phiếu ra, giảm bớt tỷ lệ margin. Trong trường hợp nhà đầu tư không bị "kẹp hàng", còn tiền, có kinh nghiệm thì tham gia đầu tư ngắn hạn được, không dùng margin, sử dụng vốn vừa phải.
Chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần HoSE cũng bày tỏ với phóng viên Dân trí rằng thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn với mức P/E khoảng 15 lần.
Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên chọn tiêu chí an toàn, tìm các doanh nghiệp có nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp, P/E thấp (dưới 10 lần), thanh khoản cao, ngành nghề kinh doanh ổn định, cổ phiếu đang giao dịch vùng đáy hoặc P/E trung bình 5 năm hấp dẫn. Một số nhóm ngành có thể đáp ứng các tiêu chí trên như phân bón hóa chất, dầu khí, chứng khoán, ngành sản xuất, ngành điện.