Chứng khoán toàn cầu nhuộm đỏ

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Nối gót phố Wall, chứng khoán châu Á bị bán tháo mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Chứng khoán châu Âu cũng mất đà tăng khi kết quả kinh doanh của các công ty ảm đạm khiến giới đầu tư bi quan.

Trong phiên 26/10, chứng khoán châu Á bị bán tháo, với chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,71% và Nikkei 225 của Nhật Bản sụt 2,14%. Trái lại, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc khởi sắc nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Chính phủ.

Chỉ số Stoxx 600, đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, cũng đã giảm mạnh. Trong đó, các cổ phiếu xe hơi và ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất.

Chứng khoán châu Âu có thể bước vào tháng giảm thứ 3 liên tiếp khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh vì nỗi lo lãi suất cao kéo dài.

Giới đầu tư giờ đang theo dõi sát cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Thị trường dự báo ECB sẽ giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua.

"Môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ gây nguy hiểm cho thị trường chứng khoán, vì nó làm tăng rủi ro suy thoái và khiến lợi nhuận tụt dốc", Marija Veitmane, chuyên gia cấp cao tại công ty nghiên cứu State Street Global Markets, chia sẻ với Bloomberg. "Chúng tôi khá bi quan về thị trường cổ phiếu trong những tháng cuối năm 2023".

Chứng khoán toàn cầu nhuộm đỏ - 1

Chỉ số S&P 500 giảm 1,43% xuống còn hơn 4.186 điểm (Ảnh: Investing).

Trong phiên giao dịch ngày 25/10, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh khiến chỉ số S&P 500 giảm 1,43% xuống còn hơn 4.186 điểm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trở lại.

Chỉ số Dow Jones giảm còn 33.036 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 2,43%, còn 12.821 điểm.

Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc hơn 9% trong phiên. Báo cáo tài chính quý III của Alphabet cho thấy kết quả kinh doanh ở mảng điện toán đám mây không đạt kỳ vọng của giới phân tích.

Mặc dù, doanh thu của "gã khổng lồ" công nghệ tăng trưởng mạnh và lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng. Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng "vạ lây", như Apple giảm 1,3% và Amazon giảm 5,6%.

Đáng chú ý, cổ phiếu Microsoft lại có cú lội ngược dòng khi kết phiên với mức tăng 3% sau khi công ty đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.

"Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết đang chiếm lĩnh dòng thông tin trên thị trường, nhưng tôi lại không thể rời mắt khỏi thị trường trái phiếu. Kể từ năm 1982, chúng tôi chưa từng thấy lợi suất tăng mạnh như vậy và điều này có thể ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu của công ty", Edward Moya, chuyên gia của công ty phân tích dữ liệu Oanda, nhận định với CNBC.

Đến nay, đã có 29% doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Trong đó, 78% doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.

"Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có cả tốt lẫn xấu khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Nhưng vấn đề thực sự của thị trường bây giờ vẫn là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không hề có dấu hiệu suy yếu", Ryan Detrick, chiến lược gia của công ty tư vấn tài chính Carson Group, chia sẻ với Reuters.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm