1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ủy ban Chứng khoán: Giám sát mua bán bất thường, kiểm tra dấu hiệu trục lợi

Mai Chi

(Dân trí) - Cơ quan quản lý khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, kiểm tra các hành vi có dấu hiệu trục lợi, tung tin đồn thất thiệt, giả tạo trên thị trường.

Ủy ban Chứng khoán: Nhà đầu tư phải nhìn nhận, đánh giá toàn diện

Trao đổi với  phóng viên Dân trí sau phiên giao dịch hôm nay (26/10), đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khuyến nghị các nhà đầu tư cần phải nhìn nhận và đánh giá toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp, thận trọng với tin đồn thất thiệt trên thị trường để ra những quyết định chính xác, hiệu quả. 

Cơ quan quản lý khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, kiểm tra các hành vi có dấu hiệu trục lợi, tung tin đồn thất thiệt, giả tạo trên thị trường, gây ảnh hưởng đến tâm lý khiến nhà đầu tư hoang mang. Nếu phát hiện, UBCKNN sẽ xử lý nghiêm.

Đại diện UBCKNN cho biết, thị trường vẫn hoạt động ổn định thể hiện qua thanh khoản cải thiện cũng như sự gia nhập tích cực của số lượng nhà đầu tư mới thời gian qua.

Ủy ban Chứng khoán: Giám sát mua bán bất thường, kiểm tra dấu hiệu trục lợi - 1

Nhà đầu tư cần nhìn nhận và đánh giá toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như tiếp nhận các thông tin chính thống từ doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Hải Long).

Cụ thể, sau giai đoạn trầm lắng trong quý I với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 11.300 tỷ đồng, giảm 44% so với bình quân năm 2022 thì thanh khoản thị trường sau đó đã cải thiện rõ rệt.

Quý II và quý III, thanh khoản thị trường khởi sắc, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.166 tỷ đồng/phiên trong tháng 7 rồi nâng lên 25.667 tỷ đồng/phiên trong tháng 8 và 25.264 tỷ đồng/phiên trong tháng 9. Trong tháng 10, giá trị giao dịch bình quân đã giảm hơn 31% còn khoảng 17.404 tỷ đồng/phiên (tính đến 19/10) nhưng mức này vẫn rất đáng ghi nhận.

Đáng chú ý là số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục gia tăng thời gian qua. Trong 9 tháng, nhà đầu tư đã mở mới thêm 926.200 tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 7,8 triệu tài khoản, tăng 13,4% so với cuối năm 2022.

Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư với thị trường, cũng như khoảng cách của kênh đầu tư chứng khoán với người dân đang ngày càng được rút ngắn.

Diễn biến của thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và trên thế giới như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, áp lực điều hành tỷ giá… Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào rủi ro suy thoái, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư cùng với việc lãi suất hạ nhiệt đã hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản thị trường theo đó được cải thiện, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước trở lại TTCK.

VN-Index giảm hơn 46 điểm

Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giảm sâu trong tâm lý lo lắng của nhiều nhà đầu tư. VN-Index chốt phiên 26/10 giảm 46,21 điểm tương ứng 4,2% còn 1.055,45 điểm; HNX-Index giảm 12,03 điểm tương ứng 5,3% và UPCoM-Index giảm 2,78 điểm tương ứng 3,25%.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại bật tăng mạnh nhờ lực cầu giá thấp. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE xấp xỉ 1,18 tỷ đơn vị tương ứng giá trị giao dịch tăng vọt lên 23.243,65 tỷ đồng.

Đáng chú ý, góp phần đáng kể tác động vào mức giảm chung của VN-Index là tình trạng lao dốc tại nhóm cổ phiếu "họ Vin". VIC và VRE giảm sàn, VHM dư bán giá sàn hơn 5,8 triệu đơn vị.

Ủy ban Chứng khoán: Giám sát mua bán bất thường, kiểm tra dấu hiệu trục lợi - 2

VN-Index đánh mất 4,2% trong phiên 26/10 (Nguồn: Tradingview).

Nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, tối 25/10, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trái phiếu có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes (mã: VHM) do Vingroup sở hữu, đáo hạn vào năm 2028.

Phía Vingroup cho hay đây là trái phiếu hoán đổi trên thị trường quốc tế đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, đánh dấu sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đến ngành bất động sản Việt Nam, trong đó có Vinhomes.

Hedge nghĩa đen là "hàng rào". Trong tài chính, hedge được hiểu là phòng vệ giá. Nhà đầu tư sử dụng hình thức hedge nhằm mục đích giảm rủi ro cho danh mục tài sản khi giá thị trường biến động ngược kỳ vọng.

Tương tự với thị trường chứng khoán, hedge là việc nhà đầu tư thực hiện vị thế đầu tư hoặc vị thế phái sinh ngược lại với vị thế mình đang có để phòng ngừa rủi ro giá.

Khi giá của tài sản biến động trái với kỳ vọng ban đầu, vị thế hedge sẽ tạo ra lợi nhuận và lợi nhuận này sẽ bù đắp lại vị thế ban đầu của danh mục.

Phiên sáng nay, một số nhà đầu tư quốc tế tham gia vào giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần Vinhomes để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu (thực hiện hedging - phòng vệ giá) - nguồn tin từ Vingroup tiết lộ.

Theo đó, đây là việc bán hedging giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng.

Đồng thời, nhà đầu tư trái phiếu hoán đổi cũng đã tìm được nhà đầu tư cho đa số khối lượng cổ phiếu cần bán, nên ảnh hưởng đến thị trường được đánh giá sẽ ngắn hạn và không đáng kể.

Ủy ban Chứng khoán: Giám sát mua bán bất thường, kiểm tra dấu hiệu trục lợi - 3

Thanh khoản sàn HoSE tăng hơn gấp đôi trong phiên thị trường lao dốc (Nguồn: VNDS).