Chưa mua đủ 60 triệu chiếc dự trữ, khẩu trang "xuất ngoại" bị "tắc" lại

(Dân trí) - Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết đã mua được 46 triệu khẩu trang y tế trên chỉ tiêu 60 triệu chiếc dự trữ. Tuy nhiên vì 14 triệu chưa mua được khiến việc xuất khẩu của doanh nghiệp bị "tắc" lại.

Chưa mua đủ 60 triệu chiếc dự trữ, khẩu trang xuất ngoại bị tắc lại - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, không thể vì ách tắc trong việc mua dự trữ khẩu trang y tế mà làm đình trệ lĩnh vực này.

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương tại cuộc họp chiều nay (24/4), ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng cục Công nghiệp cho biết, tình hình sản xuất trong nước 3 tháng đầu năm dù bị tác động bởi dịch Covid-19 song vẫn chưa lớn bằng giai đoạn sau.

Dù đứt gãy nguồn cung khi thị trường nguyên vật liệu lớn như Trung Quốc, song kết thúc quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, sang đến tháng 4, theo ông Hoài, vấn đề lớn mà ngành sản xuất Việt Nam gặp phải đó là khó khăn về đầu ra.

Ông Hoài lấy ví dụ như ngành dệt may da giày - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ, EU với 70% kim ngạch, trong khi đó, nhu cầu nội địa với các sản phẩm này chỉ chiếm 10%. Tuy nhiên cuối tháng 3, sang tháng 4 thì ngành này gặp khó khăn vì “bí" đầu ra.

Thời gian qua, liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU sau khi họ bùng phát dịch bệnh.

“Các ngành điện tử sụt giảm cũng rất nhiều. Các đại lý ô tô tạm thời đóng cửa, sản xuất thì cầm chừng. Ngành thép, bia rượu, thuốc lá đều sụt giảm…”, ông Trương Thành Hoài nêu những khó khăn của ngành sản xuất công nghiệp.

Bộ Công Thương họp bàn giải pháp "cứu" kinh tế hậu dịch Covid-19

Đáng lưu ý, đề cập đến việc xuất khẩu khẩu trang như một “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế ảm đạm hiện nay, Cục trưởng Cục Công nghiệp lại đưa ra những thông tin không mấy tích cực.

Theo vị này, số lượng khẩu trang vải xuất khẩu là 27 triệu chiếc, hiện tại tồn kho 20 triệu chiếc tại 20 doanh nghiệp. Trong khi đó, năng lực sản xuất hiện nay có thể đạt tới 11 triệu chiếc/ngày.

Còn đối với khẩu trang y tế, ông Hoài cũng khẳng định, năng lực sản xuất sản phẩm này của doanh nghiệp Việt là rất lớn, nhu cầu xuất khẩu cao. Tuy nhiên, hiện nay vướng không thể xuất khẩu được do chưa mua đủ dự trữ.

Ông Hoài cho biết, trong 60 triệu chiếc dự trữ thì mới mua được 46 triệu, còn 14 triệu chưa mua được, khiến toàn bộ số khẩu trang hiện nay bị "tắc" , ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp.

Theo đó, lãnh đạo Cục Công nghiệp kiến nghị, cần nhanh chóng gỡ khó để giải toả khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với lượng khẩu trang y tế cần mua dự trữ, cần mua theo cơ chế đấu thầu để đảm bảo minh bạch.

“Sau khi mua đủ 14 triệu khẩu trang y tế phục vụ dự trữ cần cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn", lãnh đạo Cục Công nghiệp kiến nghị.

Ngay sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu nhanh chóng làm văn bản báo cáo kiến nghị gỡ khó xung quanh việc xuất khẩu khẩu trang y tế, khẩu trang vải.

“Năng lực của chúng ta đang rất tốt nhưng vì lượng dự trữ mà tắc lại. Không thể chỉ vì thế mà đình trệ lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thị trường vật phẩm y tế là rất lớn. Hiện nay Mỹ, châu Âu, nhu cầu của họ rất lớn”, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường đầu ra.

Trước đó, theo thông tin do Cục Công nghiệp tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.

Việc xuất khẩu khẩu trang như một điểm sáng giúp giải quyết bớt khó khăn cho ngành dệt may trong nước. Ngành này đang đứng trước nguy cơ sa thải lượng lớn lao động vì khó khăn.

Nguyễn Mạnh