Chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015: Mức thu nhập lý tưởng là 1,7 tỷ đồng/năm

(Dân trí) - Giáo sư Angus Deaton, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015, từng được biết đến với một nghiên cứu chỉ ra rằng người ta sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập tăng và mức thu nhập lý tưởng là 75.000 USD/năm (khoảng 1,69 tỷ đồng).

Angus Deaton, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015, cho rằng thu thu nhập 75.000 USD/năm là mức lý tưởng đem lại hạnh phúc
Angus Deaton, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015, cho rằng thu thu nhập 75.000 USD/năm là mức lý tưởng đem lại hạnh phúc

Nhà kinh tế gia mang hai quốc tịch Anh và Mỹ này không phải là một người quá nổi tiếng trong giới khoa học gia quốc tế. Có thời điểm, gần 75% người tham gia cuộc khảo sát tại trang NobelPrize.org trả lời rằng họ chưa hề nghe về công trình nghiên cứu đoạt giải của ông.

Mặc dù Deaton không phải là người quá nổi tiếng, nhưng ít nhất một trong những nghiên cứu của ông cũng được nhiều người biết đến. Đó chính là nghiên cứu về mối tương quan giữa thu nhập và hạnh phúc do Giáo sư Deaton cộng tác trong nhiều năm cùng với chuyên gia tâm lý Giáo sư Daniel Kahneman, một cộng sự của ông tại Đại học Princeton.

Kết quả của công trình nghiên cứu này chỉ ra rằng người ta sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập tăng, và mức thu nhập lý tưởng là 75.000 USD/năm (khoảng 1,69 tỷ đồng). Thu nhập cao hơn chỉ cải thiện về đánh giá cuộc sống chứ không cải thiện về đời sống tinh thần cho con người.

Tiền có mua được hạnh phúc?

“Câu hỏi liệu "tiền có mua được hạnh phúc” thường xuyên xuất hiện tại các cuộc thảo luận về sự giàu có giữa các học giả cũng như trong công chúng,” Deaton và Kahneman viết trong báo cáo của họ công bố năm 2010.

“Nhiều tiền hơn không có nghĩa là sẽ có được nhiều hạnh phúc hơn, nhưng ít tiền hơn đồng nghĩa với khổ đau.”

Deaton và Kahneman đã phát hiện ra rằng, người giàu hơn thường nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

Tiêu chuẩn “thu nhập 75.000 USD tương đương với hạnh phúc” của Deaton là rất hữu ích. Tuy nhiên, đó không phải là nghiên cứu khiến Ủy ban Giải Nobel quyết định vinh danh ông. Mà thay vào đó, Ủy ban này lại đánh giá cao nghiên cứu của ông về tiêu dùng, cụ thể là về cách chúng ta sử dụng hàng hóa và dịch vụ, cũng như điều này có nghĩa gì đối với chính sách phúc lợi xã hội cho chúng ta.

Chính vì thế, trường hợp của Deaton vô cùng đặc biệt và chẳng hề giống bất kỳ một người được trao giải Nobel nào trước đó.

“Hệ thống Nhu cầu Lý tưởng” do Giáo sư Deaton cùng Giáo sư John Muellbauer nghiên cứu năm 1980 đã giúp định hình nghiên cứu về tiêu dùng hàng hóa. Ông đã giúp thay đổi cách thức các nhà kinh tế gia đo lường chất lượng sống và nghèo đói ở các nước đang phát triển. Hoặc giống như Ủy ban Giải Nobel nhận định: “Deaton đã giúp chuyển đổi kinh tế học phát triển từ lĩnh vực chủ yếu là lý thuyết dựa trên các dữ liệu vĩ mô thô, sang một lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm dựa vào các dữ liệu vi mô chất lượng cao.”

Chủ yếu nghiên cứu của Deaton tập trung vào sự bất bình đẳng và nghèo đói, và cái cách các nước nghèo nhất trên thế giới đối mặt với khó khăn về kinh tế và dịch bệnh ra sao.

Tựu chung lại, công trình nghiên cứu của Deaton thể thiện ông là người rất lạc quan. Mặc dù thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề nhưng theo ông chúng ta vẫn đang đi đúng hướng. Và rằng tăng trưởng kinh tế đang đẩy chúng ta tiến lên, bất kể là sự cải thiện về đời sống ở Ấn Độ hay sự kết nối giữa những người châu Mỹ thông qua cuộc cách mạng kỹ thuật số.

“Deaton đề cập đến – một câu chuyện về nhân loại đầy cảm hứng nhất từ trước tới giờ - khiến tất cả chúng ta có cái lý để mà lạc quan,” David Leonhardt viết trên trang the New York Times, khi đánh giá về cuốn sách ra mắt năm 2013 của Deaton - “Lối thoát vĩ đại” (The Great Escape).

Thảo Nguyên
Theo Forbes

Chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015: Mức thu nhập lý tưởng là 1,7 tỷ đồng/năm - 2