1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Điều ít biết về chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015

(Dân trí) - Lúc hơn 6h sáng ngày 12/10, vợ Giáo sư kinh tế Angus Deaton - thuộc Đại học Princeton (Mỹ) - truyền tay cho ông chiếc điện thoại bàn và niềm hạnh phúc dâng trào trên khuôn mặt giáo sư khi ông được thông báo mình đoạt giải Nobel Kinh tế 2015.

Giáo sư Angus Deaton, người nổi tiếng về sự tận tụy với công việc, vừa nhận Giải Nobel Kinh tế năm 2015
Giáo sư Angus Deaton, người nổi tiếng về sự tận tụy với công việc, vừa nhận Giải Nobel Kinh tế năm 2015

Ông cũng thú thực rằng lúc ông cầm điện thoại từ tay vợ chuyển sang ông vẫn đang “ngái ngủ”.

Angus Deaton sinh ngày 19/10/1945 tại thành phố Edinburgh (Vương quốc Anh). Ông là một nhà kinh tế học vi mô người Anh và Mỹ. Ông là giáo sư kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Trường Woodrow Wilson ở Princeton (Mỹ) từ năm 1983.

Ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết trong cuộc đời mình cống hiến cho nghiên cứu cải thiện dữ liệu về các chính sách công như cách đo lường về giàu và nghèo, tiết kiệm và tiêu dùng, sức khỏe và hạnh phúc.

Tận dụng những lợi thế từ sự bùng nổ thông tin trong thời kỳ phát triển công nghệ thông tin, ông đã thu thập thông tin của rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới để nắm bắt và nghiên cứu sâu về xu hướng kinh tế toàn cầu.

Ông đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015 vì công trình nghiên cứu về những vấn đề tiêu dùng, đói nghèo và phúc lợi xã hội.

“Để thiết lập chính sách kinh tế mang lại phúc lợi xã hội và giảm nghèo, trước hết chúng ta phải hiểu lựa chọn tiêu dùng của các cá nhân. Hơn ai hết, Giáo sư Angus Deaton đã giúp cải thiện lĩnh vực này”, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định khi công bố giải Nobel Kinh tế, giải thưởng Nobel cuối cùng của năm 2015.

“Nếu bạn muốn hiểu tác động của chính sách trợ giá lúa gạo đối với thu nhập của người nông dân, thì Giáo sư Deaton đã chỉ ra cách tiếp cận mà bạn hoàn toàn có thể sử dụng các dữ liệu từ các hộ gia đình để đánh giá tác động này đối với thu nhập của các nông dân khác nhau” Dani Rodrik, một giáo sư Đại học Harvard nhận định.

Đề cao “sự cẩn thận trong đo lường”

Trong một lá thư gửi chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ năm 2010, Giáo sư Deaton chỉ trích một số biện pháp đo lường về nghèo đói phổ biến hiện nay, ví dụ như cách tính số người sinh sống với dưới 1 USD/ngày. Ông cho rằng cách tính như vậy hơi thổi phồng về tình trạng nghèo đói. Ông khuyến khích việc sử dụng dữ liệu từ các cuộc khảo sát về điều kiện sống của các hộ gia đình riêng.

“Những cách thức đơn giản để nhìn nhận thế giới thường là nền tảng cho việc lập chính sách, và nếu những tuyên bố này là sai thì các chính sách cũng có thể sai. Ông ấy luôn trăn trở làm sao để thu thập đầy đủ thông tin về một thế giới vô cùng phức tạp” Nhà kinh tế học Janet M. Currie, thuộc Đại học Princeton nói.

Giáo sư Deaton cũng cộng tác trong nhiều năm với chuyên gia tâm lý Giáo sư Daniel Kahneman, một cộng sự của ông tại Đại học Princeton trong một công trình nghiên cứu mà kết quả chỉ ra rằng người ta sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập tăng, và mức thu nhập lý tưởng là 75.000 USD/năm (khoảng 1,69 tỷ đồng)

Giáo sư Curie - một sinh viên cũ của Giáo sư Deaton và hiện là “sếp” trên danh nghĩa của GS. Deaton, với cương vị là Trưởng khoa Kinh tế tại trường Đại học Princeton nhận xét: ông là “người vui tính, dí dỏm, thấu hiểu, cực kỳ uyên bác và là một cộng sự rất tốt”.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm Thứ 2, Giáo sư Deaton chia sẻ rằng, ông rất hứng thú với đề tài phát triển kinh tế vì “tự đáy lòng mình tôi thực sự muốn biết người ta đang cư xử như thế nào và chúng ta nên và có thể làm gì với điều đó.”

Ông cũng chia sẻ rằng môi trường ông sinh ra và lớn lên cũng tác động rất nhiều đến sở thích này của ông. “Tôi sinh ra ở Edinburgh, một vùng có khí hậu rất lạnh, nghèo nàn và lạc hậu. Tôi đã từng mơ một ngày mình được đến những nước có khí hậu nhiệt đới, phong phú và ấm áp,” ông nói.

Ủy ban Nobel đánh giá nghiên cứu của Giáo sư Deaton từ năm 1980 về mô hình hóa nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân như một trong những công trình nghiên cứu sớm nhất tạo cảm hứng và là điển hình cho các nghiên cứu về sau.

Cũng trong nghiên cứu của mình, Deaton phát hiện ra rằng thu nhập tăng giúp cải thiện đầu vào calo cho các gia đình nghèo nhất, nhưng tác động này giảm dần đối với các gia đình có thu nhập cao hơn. Vì thế, các số liệu thống kê gộp lại đã làm mờ đi những lợi ích về tăng thu nhập đối với các gia đình cực kỳ nghèo khó.

Giáo sư Deaton nói rằng, ông hy vọng “sự cẩn thận trong đo lường” sẽ là gia sản quý giá của ông. “Tôi cho rằng việc gộp các số liệu trong một khuôn khổ chặt chẽ dường như luôn luôn có vấn đề,” ông nói.

“Sự tính toán trên lý thuyết chuẩn mực phải giải thích tất cả những bằng chứng chúng ta thu thập được.”

Vì thế, có lẽ điều mà ông đóng góp qua nghiên cứu của mình chính là việc phá vỡ những cách làm cũ hơn là tạo ra những phương thức mới.

Nguyên An
Theo N.Y.T

Điều ít biết về chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015 - 2