Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ ở TPHCM mới là "đề xuất"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, đề xuất cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ mới chỉ trình lên UBND TPHCM. Thành phố đang đề nghị cơ quan y tế đánh giá tình hình cụ thể.

Trong họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM diễn ra chiều 21/10, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, từ ngày 15/10, Sở đã ban hành Bộ tiêu chí mới thay thế cho Quyết định 3328 về an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, thực phẩm.

Sở đã đề xuất về việc khách đến cơ sở kinh doanh ăn uống có thể dùng thực phẩm tại nơi bán. Tuy nhiên, về vấn đề này, Sở Công Thương mới chỉ trình lên UBND TPHCM và lãnh đạo thành phố còn đang đề nghị cơ quan y tế đánh giá cụ thể tình hình an toàn chống dịch trước khi có quyết định - ông Tú thông tin.

Hôm 18/10, Hiệp hội ẩm thực Việt Nam cũng có công văn gửi đến UBND TPHCM kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường.

Cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ ở TPHCM mới là đề xuất - 1

Cơ sở kinh doanh ăn uống tại TPHCM vẫn chưa được phục vụ tại chỗ (Ảnh minh họa).

Về vấn đề cung ứng hàng hóa, ông Tú thông tin lượng hàng cung ứng của ngày 20/10 là 5.900 tấn, tăng 2% so với ngày trước đó. Riêng lượng hàng cung ứng của 3 chợ đầu mối lớn tăng gần gấp đôi so với ngày 1/10.

TPHCM đã mở được 96/234 chợ truyền thống. Còn 4 quận huyện chưa mở được chợ truyền thống vì cần phải đánh giá đảm bảo an toàn, không thể mở lại ồ ạt. Lãnh đạo Sở Công Thương lưu ý các quận huyện chưa mở chợ truyền thống cần phải giám sát chặt, không để xảy ra tình trạng buôn bán tự phát ở khu vực gần chợ.

Từ nay đến 25/10, dự kiến sẽ có 16 chợ truyền thống được mở cửa trở lại.

Trước đó, ngày 19/10, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất cho phép hàng quán được tổ chức hoạt động cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ, trừ kinh doanh bán bia, rượu.

Theo đề xuất của Sở Công Thương, hàng quán muốn kinh doanh ăn uống tại chỗ phải kết thúc hoạt động trước 21 giờ hàng ngày, công suất không quá 50% năng lực phục vụ. Mật độ phục vụ tại chỗ đảm bảo không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu 2 m.

Việc để xuất cho hàng quán phục vụ khách tại chỗ nhằm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế trên nguyên tắc "an toàn đến đâu mở đến đó"; đáp ứng nhu cầu của người dân và hỗ trợ khôi phục các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn.