Chủ "mất tích", người lao động... mất hết
Khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không cơ quan nào đứng ra lãnh trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Người lao động thành người lao đao
Ngày 17/4, 300 công nhân Công ty TNHH Outdoor (may lều bạt, vốn đầu tư Hàn Quốc, trụ sở quận 12, TP.HCM) đồng loạt ngừng việc khi hay lãnh đạo công ty này âm thầm xuất lô hàng cuối cùng và thông báo ngưng hoạt động. Trong khi đó tiền lương chưa trả; các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ cũng chưa được lãnh đạo công ty giải quyết.
Lo ngại bị mất trắng các quyền lợi trên, NLĐ đã nhất quyết không cho công ty xuất hàng và cầu cứu các cơ quan chức năng quận 12. Sau khi đại diện LĐLĐ và các cơ quan chức năng quận 12 đến làm việc, chẳng đặng đừng đại diện công ty mới cam kết trả đủ lương, đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ và hỗ trợ thêm 1/3 lương tháng 4.
Nhưng không phải nơi nào cũng may mắn phát hiện chủ DN chưa kịp bỏ trốn để đòi quyền lợi. Phần lớn khi công nhân phát hiện ra sự việc thì chủ đã cao chạy xa bay.
Điển hình mới nhất là vụ chủ Công ty TNHH Bách Hợp (gia công áo quần xuất khẩu, trụ sở quận 6, TP.HCM) đột ngột “mất tích” trong khi nhà máy vẫn duy trì sản xuất thêm một thời gian. Đến kỳ tạm ứng lương, NLĐ mới tá hỏa khi biết chủ DN người Áo không còn ở Việt Nam, để lại khoản nợ BHXH hơn 500 triệu đồng, tương ứng ba tháng không đóng BHXH cho NLĐ.
Ngoài việc mất trắng ba tháng BHXH do DN chiếm dụng, nhiều gia đình NLĐ bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp khiến họ không kịp trở tay, cuộc sống bị dồn vào cảnh túng quẫn. Nhiều lao động lớn tuổi tâm sự sau khi công ty đóng cửa họ rất khó xin việc vì hầu hết DN chỉ nhận lao động dưới 40 tuổi.
Công đoàn cũng bó tay
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho hay tình trạng chủ DN bỏ trốn thời gian gần đây khá phổ biến, để lại nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài cho NLĐ. Trong đó nan giải nhất là các vấn đề tiền lương, nợ BHXH, chế độ thai sản, ốm đau, đi tìm việc làm mới… Khi chủ DN bỏ trốn, các vấn đề trên đều bị treo lơ lửng, không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm trước NLĐ để giải quyết.
Ông Khải cho rằng phía LĐLĐ rất muốn bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nhưng hiện còn nhiều ràng buộc chưa được tháo gỡ khiến cơ quan này bó tay. Cụ thể, khi chủ DN bỏ trốn thì cơ quan nào đứng ra xác nhận điều này để cơ quan BHXH có căn cứ chốt sổ BHXH cho NLĐ. Tổ chức công đoàn không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không thể vượt rào.
Mặt khác, công đoàn cũng không có chức năng phong tỏa tài sản của DN khi chủ bỏ trốn. Thậm chí khi NLĐ ủy quyền cho công đoàn khởi kiện DN đòi quyền lợi thì việc tập hợp NLĐ để làm ủy quyền cũng rất gian nan vì họ phải lo tìm việc làm mới trang trải cuộc sống. Cá biệt có trường hợp đã thắng kiện nhưng việc thi hành án cũng không thể thực hiện được vì chủ DN đã bỏ trốn, không có tài sản thi hành.
“Đặc cách” ứng tiền công đoàn
Ông Khải dẫn chứng điển hình vụ chủ DN người Áo tại Công ty TNHH Bách Hợp đột ngột bỏ trốn khiến hàng trăm công nhân lâm cảnh lao đao vì bị nợ tiền lương và chiếm dụng tiền BHXH. Đặc biệt, nhiều trường hợp ốm đau, thai sản không được thanh toán chế độ vì công ty này còn nợ hàng trăm triệu đồng BHXH. “Trước tình cảnh khó khăn của NLĐ, LĐLĐ TP đã đề xuất “đặc cách” ứng tiền công đoàn để đóng đủ thời gian tham gia BHXH cho các trường hợp mang thai để họ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Các trường hợp còn lại quyền lợi vẫn treo lơ lửng” - ông Khải nói.
Ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, thông tin trên địa bàn tỉnh này có hai DN chủ “mất tích” gần đây. Ông Phong cho rằng thiệt hại lợi ích trước mắt và lâu dài của NLĐ rất lớn nhưng đối chiếu với các quy định hiện hành thì chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm với NLĐ khiến họ rất bức xúc. “Khi chủ bỏ trốn, khó thu hồi nợ BHXH” - ông Phong nói.
Giao Bộ LĐ-TB&XH lập phương án giải quyết
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhìn nhận thực trạng chủ DN bỏ trốn không chỉ gây thiệt thòi cho NLĐ mà còn gây khó khăn trong việc quản lý. Việc xử lý, bảo vệ quyền lợi NLĐ vẫn còn bất cập vì chưa có quy định rõ ràng, dù thời gian qua đã có hướng dẫn cho UBND các tỉnh, thành làm đầu mối giải quyết hậu quả các DN có chủ bỏ trốn. Cụ thể, NLĐ bị nợ lương không đủ điều kiện hưởng BHTN thì địa phương được tạm ứng ngân sách để trả lương, đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã và đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có quy định ngân sách địa phương chi vào việc này nên rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, ông Huân cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hỗ trợ khó khăn trước mắt cho NLĐ chứ chưa phải là giải pháp căn cơ. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến các địa phương về xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tại các DN có chủ bỏ trốn. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thành lập các tổ công tác tại các địa phương để xác định thời điểm chủ DN bỏ trốn để xác định thời gian đóng BHXH, tiền lương còn nợ NLĐ…, qua đó làm căn cứ để tính toán phương án hỗ trợ NLĐ. “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ lấy ý kiến chặt chẽ nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi NLĐ” - ông Huân nói.
5.500 tỉ đồng là tổng số nợ BHXH cả nước hiện nay, trong đó khoảng 700 tỉ đồng rơi vào tình trạng không đòi được do DN giải thể, phá sản…
Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam |
Theo Phong Điền