Chủ đầu tư BOT Cai Lậy: Sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã trả lời Tiền Phong nhiều câu hỏi liên quan tới dự án này. Trong đó có câu chuyện về phương án chi ngân sách nhà nước mua lại trạm thu phí này, vị trí đặt trạm, những “người lạ” xuất hiện tại trạm…
Là chủ đầu tư, ông nghĩ sao về đề xuất của các chuyên gia về việc nhà nước bỏ tiền mua lại một phần, hoặc toàn bộ dự án BOT Cai Lậy?
Chúng tôi ý thức được việc phải tuân thủ pháp luật, quyết định của các cơ quan chức năng. Sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy thời gian qua nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi rất tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Các phương án xử lý với trạm BOT Cai Lậy mà Bộ GTVT đưa ra dựa trên tình hình thực tế và định hướng của kinh tế vùng. Tuy nhiên, để áp dụng được cũng cần xem xét trên nhiều khía cạnh.
Với phương án mua lại trạm thu phí, Nhà nước phải bỏ ra một số tiền lớn. Là nhà đầu tư có trách nhiệm, chúng tôi mong xây dựng một dự án vừa mang ý nghĩa về mặt xã hội, vừa mang lại lợi ích kinh tế, không muốn trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Dưới góc độ nhà đầu tư, chúng tôi sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền. Nhưng mong được nhìn nhận vấn đề khách quan, toàn diện và lâu dài. Bởi người lao động là nòng cốt của doanh nghiệp, đằng sau doanh nghiệp là hàng trăm gia đình có con em đã và đang cống hiến cho dự án. Do đó, chúng tôi mong người dân đồng cảm với doanh nghiệp và hiểu đúng bản chất dự án.
Phương án làm đường tránh thị trấn Cai Lậy kèm gia cố Quốc lộ 1 là do chủ đầu tư tự đề xuất hay do Bộ GTVT đề xuất? Ông lý giải thế nào về vị trí đặt trạm thu phí?
Dự án này nhà đầu tư không chỉ làm tuyến tránh, còn thảm nhựa tăng cường, đầu tư hệ thống thoát nước, sửa chữa 14 cầu trên chiều dài 26,5 km Quốc lộ 1 cũ. Nếu nhà đầu tư chỉ làm đường tránh thì đặt trạm tại đường tránh, còn dự án này có nâng cấp cả Quốc lộ 1, nên vị trí đặt trạm hiện nay là đúng. Đồng thời, vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy hiện nay nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương.
Công ty không thuê “côn đồ”
Có thông tin cho rằng, có các đối tượng “lạ mặt” tới trạm thu phí để đe dọa các lái xe dừng ở trạm quá lâu, thông tin này phía công ty có nắm được không, họ có phải người của công ty các ông?
Tới nay, danh tính “người lạ” dư luận nói đã được cơ quan điều tra xác định, người đó có tên Đầy, ngụ xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Ông Đầy hành nghề xe ôm, nhưng hiện không có mặt tại nhà.
Chúng tôi đều nắm được thông tin các đối tượng “lạ mặt” xuất hiện xung quanh trạm thu phí để đe dọa các lái xe, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tôi khẳng định đây không phải là người của công ty. Tất cả nhân viên công ty đều mặc đồng phục và được quán triệt không được phép to tiếng hay ăn nói khiếm nhã, hành xử thiếu kiềm chế với lái xe. Đồng thời, chúng tôi không thuê “đầu gấu” để dọa nạt lái xe như các thông tin trên mạng.
Tại sao khi thiết kế dự án các ông lại không kéo dài tuyến đường theo hướng nối thẳng vào Quốc lộ 1, mà thiết kế đi vòng cung như thực tế hiện nay. Vì phương án tuyến đường thẳng cũng không quá dài (chỉ hơn 2km) so với đường hiện nay?
Dự án này được triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển đường bộ Việt Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án cũng được Bộ GTVT và các đơn vị nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu kéo dài tuyến đường tránh theo hướng thẳng, kinh phí đầu tư quá lớn, ảnh hưởng tới nhiều người dân. Tuyến tránh phù hợp với hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với hạ tầng giao thông của thị trấn Cai Lậy, giúp giãn dân trong khu vực nội thị về tuyến tránh.
Cảm ơn ông!
Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong