Chuyên gia nói gì về đề xuất đặt lại trạm BOT Cai Lậy ?

(Dân trí) - Trao đổi với Dân Trí, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng vấn đề trạm BOT Cai Lậy hiện nay là phải tháo gỡ ngòi nổ xung đột chứ không thể chỉ giảm tiền phí. Bên cạnh đó, việc đặt trạm BOT bao gồm cả đường tránh, đường trong vùng dự án không chỉ ở Cai Lậy, mà còn ở một số dự án BOT khác; việc di dời trạm BOT Cai Lậy hiện là phù hợp nhất.

Ngay sau khi Trạm BOT Cai Lậy (Tiền giang) thu phí trở lại, tâm điểm này lại nóng lên bởi người sử dụng phương tiện tổ chức trả tiền lẻ, dùng nhiều cách để ngăn cản thu phí, PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Phúc, người từng tham gia tổ giám sát của Quốc hội về các dự án BOT đường bộ thời gian qua để thông tin rõ hơn.

Cai Lậy đang trở thành tâm điểm của dư luận sau khi tổ chức thu phí lần thứ 2 vào ngày 30/11/2017
Cai Lậy đang trở thành tâm điểm của dư luận sau khi tổ chức thu phí lần thứ 2 vào ngày 30/11/2017

Bỏ tiền Nhà nước bù đường cải tạo của chủ đầu tư?

Mấy ngày nay, dù chủ đầu tư đã giảm phí cho người dân và phương tiện đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy, nhưng tình hình vẫn rất nóng bỏng. Từng là thành viên của đoàn giám sát của Quốc hội, ông có ý kiến gì?

- Có thể nói để xảy ra hiện tượng như ở Cai Lậy làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân và doanh nghiệp tại khu vực đó. Việc thu phí lần 2 vẫn để xảy ra tình trạng như vậy thì tôi cho rằng cần tìm mấu chốt, vấn đề cơ bản của sự việc chứ không phải giảm tiền phí là xong.

BOT Cai Lậy là tuyến đường tránh được đầu tư mới 12km, số vốn 1.000 tỷ đồng, chủ đầu tư cải tạo thêm tuyến đường 1A dài 26km, với tổng kinh phí 300 tỷ đồng, sau đó khi hoàn thành lắp đặt trạm thu phí đón lõng xe 2 tuyến đường.

Bản chất đặt như vậy, Bộ GTBT bảo đúng, nhưng đúng quy trình này không hợp lý, bởi người dân biết quốc lộ 1A do ngân sách đầu tư, không phải trả phí, sau khi cải tạo, họ đi trên đường đó phải đóng phí thì không ai chấp nhận được.

Chủ đầu tư nói phải trả 300 tỷ đồng, đây là cớ để họ thu phí, nhưng người dân nói họ có đóng phí bảo trì đường bộ, các loại thuế phí khác thì bộ ngành và cơ quan chức năng nói sao?

-Bên cạnh đó, phía chủ đầu tư không minh bạch về thời gian thu phí đối với mỗi đường, số phí bao nhiêu đối với xe đi qua đoạn BOT, thời gian thu, phí thu đoạn sửa chữa thế nào…? Đây cũng là lý do khiến người dân bức xúc bởi nếu không biết số lượt xe qua bao nhiêu, rất khó biết được bao giờ sẽ thu hồi vốn, nhất là trên con đường huyết mạch về TP.HCM.

Việc đặt trạm thu phí BOT được Bộ GTVT, địa phương và chủ đầu tư nói là đúng, không sai về quy định, nhưng việc đặt trạm đón lõng hai con đường, có chuyên gia chỉ rõ đó là "trấn lột". Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Người dân bức xúc nhất hiện là ở chỗ, trạm thu phí đường cải tạo không minh bạch đối với đoạn thu phí đường mới BOT. Trạm thu phí BOT đặt ở dự án này đúng, nhưng cơ sở nói đúng là họ đưa ra trong vùng dự án thôi, còn tính chất hai con đường khác nhau. Còn nếu hợp lý thì dân đã không phản ứng.

Việc đặt trạm BOT bao trùm cả đường trong vùng dự án này không chỉ bột phát ở BOT Cai Lậy, mà xuất hiện ở một số dự án khác, trong quá trình thanh tra của cơ quan Quốc hội, chúng tôi đã thấy rõ vấn đề, bất cập này.

Tại BOT Bến Thủy - Vinh, tình trạng đặt BOT như này sau đó được chủ đầu tư, địa phương giải quyết êm thấm là: miễn phí toàn bộ đối với người dân trong vùng dự án, bởi không có lý gì đi từ xã này, qua xã khác ăn sáng, ăn cỗ hoặc thăm thân cũng phải đóng phí BOT được.

Hiện có nhiều thông tin có sự điều chỉnh sau quyết định đầu tư ở dự án BOT Cai Lậy, trong đó có quy hoạch, cách đặt trạm của Bộ GTVT, theo ông, trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc xử lý trường hợp này thế nào?

- Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề ở đây cần giải quyết căn bản, giờ không phải lúc đổ trách nhiệm vì nếu có sai thì chúng ta phải sửa cả chính sách, cả các khâu quy hoạch, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch.

Vấn đề người dân quan tâm, thắc mắc nhất hiện không phải là chủ trương đầu tư BOT con đường mà là phản ứng cách thu, quản lý và thực hiện dự án, lắp đặt trạm BOT không phù hợp. Việc điều chỉnh trạm BOT như nhiều ý kiến của chuyên gia, báo chí mấy ngày hôm nay tôi cho rằng có cơ sở.

Dời trạm, cấm xe tải, xe khách đi quốc lộ 1A?

Theo ông, việc đặt lại trạm BOT là cần thiết, nhưng đặt trạm như nào để không cảnh "quay đi mắc núi, trở lại mắc sông" hay chính sách và thực hiện chính sách "đá nhau" khi mà có người đề xuất cấm xe tải, xe khách đi vào đường 1A (đoạn cải tạo), điều này có thể lại bị phản ứng?

- Trong các giải pháp cấp thiết hiện nay, có rất nhiều việc chúng ta cần "cân đong, đo đếm". Chúng ta có thể bỏ tiền ngân sách (số tiền này lấy từ quỹ bảo trì) bù cho nhà đầu tư ở dự án cải tạo quốc lộ 1A cũ đoạn qua thị xã Cai Lậy với số vốn 300 tỷ đồng, sau đó miễn phí cho người dân. Song song với quyết định này thì phải đặt lại trạm BOT vào trong đường tránh (đoạn đường mới làm 12km).

Việc ngân sách bỏ tiền, hoặc thậm chí đổi đất lấy hạ tầng tuyến đường 1A cải tạo như trên có lẽ theo tôi để giải pháp tình thế ở Cai Lậy, chứ không thể xem là giải quyết những dự án tương tự. Chúng ta phải chấm dứt ngay việc cho nhà đầu tư đường mới lại, lại cải tạo đường cũ thu chung phí.

Việc đặt lại trạm vào sâu trong đường tránh có thể là giải pháp khả thi, song không thể cấm xe tải, xe khách qua thị xã. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này có thể khiến chính sách bị ảnh hưởng, DN đầu tư BOT bất lợi vì thu không đủ chi, khiến họ sợ chính sách, sợ pháp luật, khó cho thực hiện xã hội hóa xây dựng hạ tầng bằng BOT, BT thời gian tới?

- Khó có thể cấm xe khách, xe tải qua thành phố mà chúng ta chỉ hạn chế giờ đi, tốc độ đi mà thôi. Nếu chúng ta cấm thì lại tạo nên dư luận vì đưa ra lý do nào cũng không phù hợp vì thị xã Cai Lậy nhỏ chứ không phải như Hà Nội, TP. HCM mà cấm xe tải, xe khách được.

Cần thiết dung hòa là hạn chế đi theo giờ, theo tốc độ vì đó là thị xã dân cư đông. Nếu khách muốn đi nhanh, đi giờ nào cũng được thì nên chọn đi đường BOT, mất phí, còn nếu chịu hạn chế, đi tốc độ thấp thì chọn đường 1A.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

(Thực hiện)